Đến Yên Nghĩa, nhắc tới anh Thiện “trâu” không ai không biết tiếng. Đó là một chàng thanh niên hiền lành, thân thiện và sở hữu đàn trâu lớn giữa đất Hà Thành chật hẹp.
Vốn xuất thân từ con nhà nông, ngay từ nhỏ anh đã cùng bố đi lái máy phay, tát nước thuê cho cánh đồng của làng. Anh dừng học ở lớp 12 vào Nam kiếm sống. Sau 1 năm bươn trải nơi đất khách quê người với nhiều vất vả và cạm bẫy, năm 2009 anh quay trở lại quê hương lập nghiệp.
Nhận thấy cánh đồng làng bỏ hoang và khu đất quy hoạch đã lâu nhưng chưa sử dụng đến, cỏ lên nhiều, Thiện đã mạnh dạn đầu tư mua trâu về chăn thả. Ban đầu số trâu chỉ có 10 con, nhưng qua mỗi lứa bán anh lại góp vốn mua dần và đến nay, số trâu đã lên đến 70 con.
Mô hình chăn thả tự nhiên của anh Thiện được đánh giá khá cao khi nguồn vốn bỏ ra ít mà thu về lợi nhuận lại cao. Anh cho biết: “Tận dụng cánh đồng cỏ bỏ hoang anh không mất tiền mua thức ăn cho đàn trâu, gần như nuôi trâu trừ nguồn vốn mua con giống thì không mất thêm chi phí nào khác, không phải phụ thuộc vào ai. Trâu lại ít bị bệnh nên thuốc thang không tốn kém lắm”.
Khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, anh Thiện chia sẻ: “Nghề gì thì lúc đầu cũng gặp khó khăn, khó khăn trong việc xoay sở nguồn vốn bởi nhà mình cũng làm nông nên để mua được chục con trâu khó lắm, cũng phải vay nhiều nơi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên trâu hay bị bệnh, không biết cách chăm sóc trâu lớn chậm”.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm anh đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Từ việc chọn giống sao cho các con trâu khỏe, tránh trâu ở vùng suối, khe núi vì khó nuôi đến việc giữ ấm cho trâu vào mùa lạnh bằng bóng đèn và tạo thói quen cho trâu tự biết đường về chuồng. “Chỉ cần con trâu “thủ lĩnh” đi về chuồng là tất cả các con trâu khác đi theo, nên mình không mất nhiều sức lùa trâu về chuồng nữa”, anh Thiện vui vẻ nói.
Sau nhiều năm gây dựng, hiện tại Thị trường tiêu thụ của anh khá rộng, không chỉ trong nội thành mà còn nhiều tỉnh lân cận. Ngoài nuôi trâu thịt, những năm gần đây anh còn nuôi trâu chọi. Những con trâu khỏe được bán đi thi đấu tại Phúc Thọ, Đồ Sơn với giá cả chục triệu đồng.
Nói về dự định sắp tới, anh Thiện cho biết anh sẽ đầu tư mua cánh đồng rộng 200ha dưới làng để tiện chăn thả trâu khi khu đất quy hoạch không chăn thả được nữa.
Bác Nguyễn Đình Hòe (66 tuổi) bố anh Thiện tâm sự: “Làm việc gì cũng cần có thời cơ, phải biết nắm bắt cơ hội. Khi thấy cánh đồng bỏ hoang phí quá nên nó mới đi mua trâu về thả. Trước đấy, ai cũng nghĩ chăn trâu là xấu hổ, nhưng chẳng có nghề nào là xấu hổ khi mình làm giàu bằng chính sức mình”.
Với quyết tâm và sự kiên trì, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Thiện đã trở thàn triệu phú nuôi trâu nữa lòng Hà Nội. Tháng 10/2014, anh được Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực – nhân tài Việt Nam trao bằng khen “Nhân tài Đất Việt”.