Sáng nay 24/11/2015 Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức lễ cắt băng gắn biển công trình tiêu biểu kỉ niệm 70 năm ngành Nông nghiệp cho Cơ sở giết mổ gia súc Hiệp Nhất tại xã Phú Lâm - Tân Phú - Đồng Nai, tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai; Đồng chí Lê Văn Hiến - Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp;và các đồng chí cán bộ tại tỉnh, huyện và sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Đồng Nai.
Công trình quy mô nhỏ nhưng lại có ý nghĩa xã hội và chính trị rất to lớn trong tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, đây cũng chính là sự thể hiện quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và ngành Chăn nuôi nói riêng. Cơ sở giết mổ gia súc Hiệp Nhất hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 20/10/2014, đây là công trình do Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Ban quản lý các dự án Nông nghiệp hỗ trợ Hợp tác xã Hiệp Nhất một phần để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc Hiệp Nhất tại ấp Phương Mai 2, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai với mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn, phù hợp với quy hoạch giết mổ của tỉnh và chấm dứt tình trạng các cơ sở hoạt động giết mổ nhỏ lẻ.
Công trình được xây dựng trên diện tích 16.750 m2 tại ấp Phương Mai 2, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Nằm trong khu quy hoạch giết mổ tập trung của xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cách chợ Phương Lâm 2km thuận tiện cho việc vận chuyển phân phối thực phẩm. Để thực hiện tốt yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh mội trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ giết mổ treo bán tự động được lựa chọn, thay cho hoạt động giết mổ trên nền, sàn nhà giết mổ.
Công trình được thiết kế đảm bảo giết mổ 280 con lợn/ngày.đêm, được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành vào tháng 11/2014. Các hạng mục công trình được xây dựng hoàn thành: Nhà bảo vệ: 12 m2; Sân đường nội bộ; Nhà Thú y: 20 m2; Phòng thay đồ: 20,15 m2; Văn phòng: 14 m2; Nhà nghỉ công nhân: 30 m2; Tháp nước, giếng khoan; Xưởng giết mổ: 572 m2 (Bao gồm: khu lấy tiết, khu đặt chảo nước nóng, khu giết mổ, 07 Dây chuyền mổ treo, khu làm lòng, khu kiểm tra thịt của thú y,…); Nhà nhốt lợn: 440 m2. Bao gồm bệ xuống lợn và chuồng lưu lợn trước khi giết mổ; Nhà vệ sinh: 16,43 m2; Nhà cách ly lợn bệnh: 12 m2; Hố tiêu huỷ: 9 m2; Hệ thống xử lý nước thải: Xử lý bằng Biogas, được thiết kế đảm bảo sau khi xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp và một số hạng mục công trình phụ khác.
* Hiệu quả xã hội
Cơ sở đi vào hoạt động giết mổ đã thực hiện tốt nghĩa vụ về phí thú y và các khoản thuế phải nộp cho nhà nước, góp phần giúp nhà nước tái đầu tư hoặc chi dùng chung cho xã hội.
Tạo được việc làm cho 36 người tại địa phương với mức thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/tháng. Không những mang lại giá trị kinh tế cho các xã viên mà còn góp phần giải quyết vấn đề rác thải, nước thải giết mổ vốn gây nhiều bức xúc tại địa phương. Tác động ảnh hưởng môi trường sinh thái và khí hậu trong vùng sẽ được cải thiện.
Việc đưa cơ sở vào vận hành giết mổ gia súc tập trung đã giúp việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được thuận lợi, từ đó góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khi cơ sở giết mổ được hình thành và đưa vào vận hành, bước đầu làm thay đổi hình thức, tập quán giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua việc đáp ứng yêu cầu phù hợp qui hoạch, đầu tư xây dựng các hạng mục tlợn đúng quy định, đặc biệt là việc áp dụng, tuân thủ công nghệ giết mổ treo, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý môi trường và các hạng mục bắt buộc tlợn qui định cho tất cả các cơ sở giết mổ được dự án xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng. Đây là những yếu tố quan trọng để tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chính cách tác động này đã làm thay đổi cách nhìn, cách quản lý của các cơ quan chức năng.
Việc xây dựng hoàn thành các cơ sở giết mổ tập trung góp phần thúc đẩy quá trình sắp xếp và quản lý giết mổ tại địa phương (xem kinh phí hỗ trợ từ dự án LIFSAP là chính sách hỗ trợ), xóa bỏ các cơ sở giết mổ không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời thông qua các cơ sở giết mổ được xây dựng và vận hành tốt để làm mô hình để các địa phương khác trên địa bàn tỉnh học tập và nhân rộng, tiếp tục triển khai tại địa phương thực sự có hiệu quả.
Thông qua việc cam kết hỗ trợ từ phía chính quyền (tạo thuận lợi về thủ tục và kiên quyết sắp xếp để hoạt động có hiệu quả cao) đã làm tăng lên sự tin tưởng và tích cực đầu tư của chủ cơ sở (nội dung này đặc biệt quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư tại các địa phương khác).
Cơ sở giết mổ được hình thành là điều kiện thuận lợi, góp phần xây dựng kết nối chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, kinh doanh tại chợ hợp vệ sinh, cung cấp sản phẩm an toàn đến nguời tiêu dùng. Cụ thể, chủ cơ sở đã nhập lợn từ các hộ chăn nuoi trên địa bàn huyện Tân Phú và huyện Định Quán (lân cận) để giết mổ tại cơ sở, sản phẩm sau khi giết mổ được đưa vận chuyển và tiêu thụ tại các chợ được đầu tư từ Dự án LIFSAP (chợ Phú Lộc, chợ Phương Lâm, Ngọc Lâm,...) và chợ Phú Lâm, với trên 160 quầy kinh doanh thực phẩm hợp vệ sinh, cung cấp các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
* Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới
Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi và xây dựng nông thông mới tại địa phương. Tạo được mối liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà chăn nuôi và nhà tiêu thụ.
Thông qua cơ sở hạ tầng được hình thành (hạ tầng cơ sở giết mổ, 980 mét đường giao thông, 960 mét đường điện dẫn vào cơ sở, hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh,…) góp phần vào việc hoàn chỉnh các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung./.
Một số hình ảnh buổi lễ: