Trong công tác nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì, thực hiện và phối hợp thực hiện 101 đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm (trong đó có 52 đề tài nghiên cứu, dự án thử nghiệm cấp Nhà nước và 49 đề tài, dự án cấp ngành và phối hợp cấp ngành) thuộc các lĩnh vực nghiên cứu: di truyền chọn giống, dinh dưỡng thức ăn, ấp trứng, thú y phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường... Kết quả trong số các đề tài, dự án đã được nghiệm thu có 41 sản phẩm nghiên cứu là các giống gà, vịt, ngan, đà điểu và các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh, ấp trứng được Bộ NN& PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, cho phép phát triển trong sản xuất.
Để phát triển các giống gà, trung tâm đã nghiên cứu thích nghi, chọn lọc nhân thuần và đưa vào sản xuất một số giống gà công nghiệp chuyên dụng thịt: Plymouth Rock, Hybro HV85, Ross 208, Ross 308; một số giống gà hướng trứng: Goldline, Hyline, Brownick, Ai Cập; một số giống gà lông màu: Rhoderi, Tam Hoàng 882, Jiangcun, Lương Phượng, Kabir, Sasso, Hubard Redbro,... và một số tổ hợp lai gà thả vườn chất lượng cao,...
Đáng chú ý là nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần thành công giống gà hướng trứng Ai Cập phù hợp với sinh thái Việt Nam, có năng suất trứng đạt từ 180 đến 200 quả/mái/năm; vỏ trứng mầu trắng hồng, tỷ lệ lòng đỏ đạt 31 đến 33%.
Năm 2004, Bộ NN & PTNT đã công nhận dòng gà Ai Cập thuần và đưa vào danh mục giống gốc phát triển cho sản xuất. Để nâng cao năng suất trứng, từ nguyên liệu gà Ai Cập và gà Hyline, trung tâm đã chọn tạo hai dòng gà hướng trứng: HA1 và HA2 có năng suất trứng 230-235 quả/mái/năm, chất lượng trứng thơm ngon, vỏ trứng trắng hồng.
Từ nguồn nguyên liệu nhập nội, trong bốn năm (2001- 2004), Trung tâm đã nghiên cứu chọn tạo được ba dòng gà LV, năng suất trứng/mái/68 tuần tuổi đạt 155 đến 165 quả; khối lượng cơ thể của gà thương phẩm lúc 10 tuần tuổi đạt 1,8 đến 1,9 kg, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp điều kiện nuôi chăn thả ở các vùng miền trong cả nước.
Giống gà LV đã được Bộ NN& PTNT công nhận ba dòng thuần và đưa vào danh mục giống gốc để phát triển trong sản xuất.
Trước nhu cầu của thị trường, từ 2006 đến 2010, Trung tâm đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo ba dòng gà lông màu hướng thịt, có năng suất cao đạt tương đương một số giống gà lông màu năng suất trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, để khai thác đặc điểm di truyền về chất lượng thịt thơm ngon của các giống gà nội và khả năng sinh sản, sinh trưởng cao của các giống gà nhập nội, Trung tâm đã nghiên cứu tạo các tổ hợp lai hướng thịt, có ưu thế lai về khả năng sản xuất, chất lượng, phù hợp điều kiện chăn nuôi tại các vùng sinh thái của nước ta.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất về con ngan, đồng thời giảm bớt kinh phí nhập giống, từng bước chủ động sản xuất giống từ các nguồn gen nhập nội, trung tâm đã chọn tạo thành công sáu dòng ngan V51, V52; V71,V72 và VS1, VS2 có năng suất, chất lượng cao hơn so với các dòng ngan hiện có.
Năng suất trứng đạt 188-200 quả/mái/2 chu kỳ đẻ, tỷ lệ phôi đạt 93-94%.
Không dừng lại ở việc tạo tổ hợp lai hai dòng, giai đoạn 2011-2015 Trung tâm đã chọn tạo được bốn dòng vịt TC có năng suất, chất lượng thịt cao. Vịt TC bố mẹ cho năng suất trứng/mái/50 tuần đẻ đạt 252 quả; tỷ lệ phôi 93%; vịt nuôi thịt 56 ngày tuổi khối lượng cơ thể trung bình đạt 3,7 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 2,54kg...
Để phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi đà điểu, năm 1997, sau kết quả nuôi khảo nghiệm 40 con đà điểu ấp nở thành công từ hai quả trứng đà điểu của Ô-xtrây-li-a và 100 trứng đà điểu từ Dim-ba-bu-ê, Trung tâm được Bộ NN& PTNT phê duyệt dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu phát triển chăn nuôi đà điểu Ba Vì và nhập 150 con đà điểu để làm nguyên liệu phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển đà điểu tại Việt Nam. Để hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi đà điểu, Trung tâm đã triển khai các đề tài nghiên cứu: nuôi thích nghi, chọn tạo giống, dinh dưỡng thức ăn, ấp trứng và thú y phòng bệnh... Từ kết quả nghiên cứu về giống, quy trình công nghệ chăn nuôi, ấp trứng và thú y phòng bệnh trong "Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước" do trung tâm triển khai đã tác động đến việc nâng cao năng suất, chất lượng đà điểu Việt Nam. Năm 2008, Bộ NN& PTNT đã có Quyết định đưa đà điểu vào danh mục giống sản xuất kinh doanh và chỉ đạo nhanh chóng phát triển thành một ngành kinh tế kỹ thuật, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Sau 15 năm nghiên cứu, đến nay các quy trình công nghệ chăn nuôi đà điểu của trung tâm đã cơ bản làm chủ các chỉ tiêu kỹ thuật và không thua kém các nước có ngành chăn nuôi đà điểu phát triển trên thế giới. Chăn nuôi đà điểu đã trở thành nghề mới, phát triển rộng khắp trên 30 tỉnh, thành phố ở các vùng sinh thái trong cả nước.
Song hành cùng công tác nghiên cứu khoa học, trung tâm đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ các chương trình khuyến nông, dự án nghiên cứu thử nghiệm, dự án nông thôn miền núi, trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho hàng nghìn lượt nông dân trên khắp các vùng sinh thái trên cả nước. Hệ thống sản xuất giống được thiết lập từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đến các Trung tâm giống thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang,... Các tổng công ty chăn nuôi, Công ty liên doanh sản xuất giống và các trang trại chăn nuôi đã liên kết với trung tâm trong nhiều năm để sản xuất giống gà lông màu, vịt giống chuyên thịt, ngan giống giá trị kinh tế cao và đà điểu chất lượng tốt cho sản xuất trong cả nước. Hằng năm, trung tâm chuyển giao vào sản xuất hơn 3,6 triệu gà giống (trong đó có hơn 300 nghìn gà bố mẹ từ đó sản xuất ra 38 triệu gà thương phẩm); hơn 500 nghìn ngan giống (trong đó có hơn 100 nghìn ngan bố mẹ, từ đó sản xuất ra 10 triệu ngan thương phẩm); có hơn 1,3 triệu vịt con giống (trong đó có 120 nghìn vịt bố mẹ từ đó sản xuất ra khoảng 15 triệu con thương phẩm) và 2.500 con đà điểu giống các loại. Những con giống chuyển giao vào sản xuất phát triển tốt, được các doanh nghiệp, trang trại và nông dân tin cậy.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, TS Nguyễn Quý Khiêm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế nhằm phát triển Trung tâm xứng đáng là cơ sở nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, có tiềm lực khoa học công nghệ cao; vận dụng sáng tạo những định hướng chiến lược phát triển ngành trong việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.
Với những thành tích đã đạt được, tập thể và cá nhân của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể; Huân chương Lao động hạng nhì cho tập thể và một cá nhân; Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể và bốn cá nhân; bảy Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và cá nhân; 20 Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho tập thể và cá nhân; 17 giải thưởng Bông lúa vàng cho tập thể và cá nhân; Huy chương Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp cho 40 cá nhân; Giải thưởng Kovalevskaia cho tập thể nữ khoa học; ba Cúp vàng Vì sự nghiệp xanh (năm 2001, 2002 và 2003); chín Huy chương vàng Vì sự nghiệp xanh (năm 2000, 2002 và 2004) cho tập thể và cá nhân; Thương hiệu: "Bạn của nhà nông Việt Nam" (năm 2005, 2007) và Huy chương đồng Quốc tế của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ và ba Giải thưởng VIFOTEC nhất, nhì và ba cho các công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc...