Giải bài toán nhập khẩu cho chăn nuôi
24/12/2014
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi tăng trưởng 3% tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2013. Cả nước đã kiểm soát được dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và tai xanh. Đến hết tháng 4 năm nay tổng đàn gia súc gia cầm so với cù kỳ năm 2013 như sau: Đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con (giảm 0,6 triệu con); đàn bò là 5,2 triệu con tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn bò sữa 200.000 con, tăng 14%; đàn lợn có 26,4 con, tăng 0,3%; đàn gia cầm là 314 triệu con, tăng 0,7%...
Đại diện các Sở NNPTNT đều cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn còn chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp; vốn đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi còn hạn chế; công tác quản lý còn bất cập…Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến nay mới chỉ có 17/63 tỉnh, thành trên cả nước ban hành Đề án hoặc xây dựng Kế hoạch hành động; nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai Đề án về xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện. Một số đại biểu đề xuất: phát triển chăn nuôi thời gian tới cần chú trọng theo hướng trang trại tập trung áp dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi.
Một số nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước gồm: Sữa, mật ong, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Tuy nhiên theo thống kế của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm so với cùng thời điểm năm 2013 tình hình nhập khẩu (NK) giống và sản phẩm vật nuôi đều tăng cụ thể như sau: Giống lợn: 1.656 con (tăng 1,9 lần), thịt lợn: 1.941 tấn (tăng 9,4%); thịt gà: 51.005 tấn (tăng 22,2%); trâu, bò thịt sống: 150.479 con (tăng 11,6%); thịt trâu bò không xương: 379 tấn và 16.647 tấn thịt trâu bò có xương. Chỉ có duy nhất NK gia cầm giảm còn 955.965 con (giảm 18,9%). Đặc biệt nguyên liệu thức ăn chăn nuôi NK tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 với tổng lượng các loại nguyên liệu NK là 5,9 triệu tấn (tăng 55%). Tỷ trọng các loại nguyên liệu NK có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn cao chiếm 38%.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nêu rõ: để phát triển chăn nuôi một cách bền vững ngành thú y cần phải tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, quản lý thuốc thú y, vấn đề an toàn thực phẩm… Các tỉnh cần phải thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” cần phải chú trọng đến các phương pháp và cách tiếp cận mới trong quá trình triển khai hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua nâng giá trị sản phẩm….
Nguồn: laodong.com.vn