Năm 2014, mặc dù giá cả lên xuống bấp bênh nhưng cơ bản dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, nên người dân vẫn ổn định số lượng đầu con.
Ngoài ra, để phong phú các loại thực phẩm cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nhập các loại thịt gia súc, gia cầm từ các nước. Song, nếu không tính toán nguồn cung trong nước với lượng thịt nhập khẩu sẽ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, giá giảm, người chăn nuôi khốn đốn.
|
Chăm sóc đàn lợn tại HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Giang Sơn |
Nguồn cung dồi dào…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đàn trâu của cả nước hiện có 2,5 triệu con, giảm 1,9% so cùng thời điểm năm 2013, chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng và trung du. Đàn bò cả nước có 5,2 triệu con, tăng 1,4%, do chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò được triển khai ở nhiều địa phương cộng với giá thịt bò ổn định, người chăn nuôi có lãi. Tổng đàn bò sữa là 217,7 nghìn con, tăng 16,8%; đàn lợn đạt 26,8 triệu con, tăng 2,1% so với năm 2013. Cả nước có 328,1 triệu con gia cầm, tăng 4,6%, trong đó đàn gà 243 triệu con, tăng 4,7%. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã nhập khẩu 3,2 nghìn tấn thịt lợn, tăng 7,3%; 82,8 nghìn tấn thịt gia cầm, tăng 19,3%; khoảng 208,7 nghìn con trâu bò sống, tăng 66,2%… so với cùng kỳ năm 2013.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Hoàng Trọng Long cho biết, với số lượng khoảng 3.000 con lợn thương phẩm, dự kiến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 này, HTX sẽ cung cấp từ 100 đến 200 tấn thịt lợn ra thị trường. Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền cũng đã mua ký gửi trong dân khoảng 150 tấn thịt lợn để bán trong dịp Tết sắp tới. Theo ông Nguyễn Văn Hải, hộ nuôi gà ở Chương Mỹ, với quy mô hàng vạn gà thịt đang trong giai đoạn phát triển, nếu không có dịch bệnh xảy ra, dự kiến trong dịp Tết này trang trại cung cấp từ 100-200 tấn thịt gà và hàng vạn quả trứng cho thị trường. Điều khiến các trang trại chăn nuôi lo lắng nhất hiện nay là việc nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm thịt từ nước ngoài, dù dịp Tết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, nhưng nếu cứ nhập khẩu ồ ạt, trong khi đó nguồn cung trong nước dồi dào sẽ làm mất cân bằng thị trường thực phẩm.
Nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá của thực phẩm nội
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng, việc nhập khẩu các loại thịt từ nước ngoài ngày càng nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi, nhất là những hộ nhỏ lẻ vì không cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập về chất lượng cũng như giá cả. Không những thế, các cửa hàng kinh doanh ăn uống hầu hết nhập thực phẩm của nước ngoài, bởi giá rẻ hơn so với sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng không nên quá lo lắng, cần thực hiện tốt việc chăm sóc, bởi giá thực phẩm đang ở mức ổn định, giá lợn 46.000-50.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng 31.000-32.000 đồng/kg, gà lông màu 60.000-65.000 đồng/kg, gà ta thả vườn đang bán với giá từ 110.000-120.000 đồng/kg và dự kiến trong dịp Tết giá sẽ cao hơn khoảng 5-10%. Hơn nữa, tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích sử dụng các loại thực phẩm tươi, còn sản phẩm đông lạnh sẽ có mức ưu tiên sử dụng kém hơn.
Song, để có thể cạnh tranh được với thực phẩm nhập khẩu, các trang trại chăn nuôi cần phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng thịt. Các hộ dân cần liên kết lại với nhau, sản xuất theo chuỗi, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Hiện tại, do thay đổi thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế. Các nhà quản lý cần có phương án nhập khẩu các loại thịt một cách phù hợp, tránh bất lợi cho thực phẩm trong nước. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới, không để cho thực phẩm "bẩn" lũng đoạn thị trường, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán 2015.