Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm của xã hội nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân và tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản cho biết, hiện nay khung pháp luật chính sách về ATTP của Việt Nam được thực thi theo nguyên tắc: quản lý và kiểm soát dựa trên nguy cơ; hài hòa với các thỏa thuận WTO/SPS và những tiêu chuẩn, quy phạm, hướng dẫn của Codex. Hệ thống tổ chức lực lượng kiểm soát ATTP có sự phân công và cơ chế phối hợp giữa 3 bộ: Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Điểm mạnh trong thực thi pháp luật ATTP của Việt Nam là kiểm soát chặt chẽ chất lượng đối với nông sản XK, nhờ đó giá trị XK nông sản thực phẩm năm 2014 đạt 30,8 tỷ USD, sản phẩm đã vươn tới hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện nay, quản lý ATTP của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Đó là, hệ thống, chính sách, pháp luật văn bản dưới Luật của các Bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa hài hòa. Chưa gắn giải pháp kỹ thuật với giải pháp kinh tế, thương mại, quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) và hóa chất, phụ gia trong bảo quản chế biến thực phẩm… Do vậy, cần phải điều chỉnh tổ chức lực lượng của hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP nhằm tăng cường phối hợp quản lý, kiểm soát hiệu quả trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm. Cần đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh nông sản an toàn; cho quản lý, kiểm soát ATTP. Nên hỗ trợ tiếp cận, phát triển thị trường, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh nông sản an toàn.
Bà Lucia Frick, Tư vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canađa, cho rằng ba Bộ trên cần tăng cường phối hợp, tối đa hóa hiệu quả của các nguồn lực; xây dựng hệ thống thực thi sát với thực tiễn; đặc biệt tăng cường xử lý các gian lận liên quan đến an toàn thực phẩm.
Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn quan tâm và đưa vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Năm 2015, ngành nông nghiệp định hướng là năm an toàn thực phẩm và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để triển khai chương trình an toàn hiệu quả, việc nghiên cứu hệ thống thể chế quản lý là vấn đề quan trọng nhằm hướng tới đổi mới toàn diện công tác an toàn thực phẩm./.