Thời điểm đó, rất nhiều người đặt câu hỏi: Làm sao Việt Nam đã xuất khẩu được trên 1,6 triệu tấn gạo khi mà hai năm trước đó, Chính phủ Việt Nam còn kêu gọi quốc tế cứu trợ lương thực cho đồng bào một số tỉnh Miền Bắc và Miền Trung? Ngoài các lý do như nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật và một số biện pháp liên hoàn như: giống mới năng suất cao, đẩy mạnh làm thủy lợi, tăng thêm phân bón cùng các vật tư nông nghiệp khác… thì lý do cơ bản, quyết định nhất chính là sự đổi mới chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp.
Cho đến ngày hôm nay, khi Việt Nam có 11 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và ngành nông nghiệp vẫn vượt qua mọi khó khăn thách thức duy trì đà tăng trưởng đã minh chứng hiệu quả từ những quyết sách đột phá của Đảng trong vấn đề tam nông. Chương trình nông nghiệp và nông thôn hôm nay với chủ đề: “Tầm nhìn chiến lược của Đảng về vấn đề tam nông” bàn về nội dung này.
Mốc son khởi đầu thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước được xác định là Ðại hội VI của Ðảng (tháng 12-1986). Nhưng những bước đi đầu tiên trong cải tiến cơ chế quản lý đã cho thấy sự xuất hiện sớm hơn của tư duy mới, cách làm mới trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có Chỉ thị 100 (tháng 10-1981) của Ban Bí thư TW Đảng, sau đó là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về Ðổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp,đem lại niềm phấn khởi và khí thế mới ở nông thôn, giải phóng sức sản xuất cho hàng triệu nông dân.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sự đột phá về chính sách của Đảng cũng được khởi đầu thực hiện ở lĩnh vực tam nông. Những chủ trương "Khoán 10", "Chỉ thị 100" vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã khơi dậy các tiềm năng to lớn ẩn giấu trong từng gia đình nông dân. Nông dân ngày càng có ý thức chăm sóc và sử dụng đất đai hiệu quả. Nhờ đó, nông nghiệp ngày càng phát triển, từng bước đi lên, tạo dựng được những thành tựu to lớn trong nhiều năm liên tiếp.
Ông Phan Duy Yên, nông dân xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc, quê hương của “khoán việc tới hộ”, thường được gọi là khoán hộ nhớ lại: “Bố mẹ mình đông con, mình là lớn nhất. Nhưng mình vẫn chưa thể ra làm hợp tác được, vì chưa đủ tuổi. Lao động dư thừa mà ăn theo định mức thì rất đói. Nhưng sau này khoán ruộng đến từng hộ gia đình thì mình và các em mình nữa sẵn sàng đi làm để phụ giúp gia đình. Ngày xưa mình chỉ đi hái rau, bắt chim bắt cò thôi, giờ khoán ruộng rồi thì mình có thể làm phụ giúp gia đình. Hồi chưa khoán thì chưa hết mùa đã hết gạo. Có khoán rồi thì đủ ăn vụ nọ sang vụ kia. Sau này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mang các giống chất lượng về chuyển giao thì đời sống nông dân ngày càng khấm khá”.
Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (thời kỳ 1986-2015), nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ruộng đất được khoán và sau năm 1993 được giao để nông dân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền ngày càng lớn hơn. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đem lại động lực to lớn động viên nông dân đem hết khả năng, công sức đầu tư phát triển sản xuất. Để hiểu được lòng dân nô nức ra sao khi được canh tác trên chính mảnh ruộng của mình, hãy nghe lời kể của cụ Phùng Minh Tiến - làm việc ở Bộ Nông nghiệp đến năm 1958, sau đó ông được điều về công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc: “Ở Vĩnh Tường có đầm chiêm. Một hôm tôi có đi thăm đồng ruộng ở đầm Vũ Di. Trước đây bấp bênh, năm được 30-40 kg/ sào. Có năm thì mất trắng. Sau khi làm khoán giao cụ thể thì kết quả được 80 - 90 kg một sào”.
Động lực ấy vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Tác dụng của cơ chế Khoán 10 cùng với những thành tựu về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nền nông nghiệp Việt Nam sang trang sử mới. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới hơn 6 triệu tấn như hiện nay. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986-2014 đạt 3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%). Nhiều ngành sản xuất nông lâm thủy sản cũng đã hướng ra xuất khẩu. PGS.TS Bùi Quang Dũng, Khoa trưởng khoa xã hội học viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nhận định:“Khi chúng ta khoán, thay đổi cơ chế thì Việt Nam từ một nước dân ăn bo bo, ăn mì, rồi trở thành 1 nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Chúng ta trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới bởi chúng ta cởi trói được năng lực cho nông dân và biến họ trở thành chủ thể”.
Tiếp bước những thành tựu đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X), ngày 28-8-2008, đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong công tác xây dựng và phát triển nông thôn, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, cơ bản cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Để tổ chức triển khai Nghị quyết 26/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng trên địa bàn khu vực nông thôn, trong đó vai trò người nông dân là chủ thể, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Để thấy được thành tựu của Nghị quyết 26, mời bà con và các bạn cùng về với mảnh đất Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để cùng nhìn lại sự thay da đổi thịt của một vùng quê.
Cách đây 52 năm, vùng đất Nam Cường còn là bãi biển hoang vu chỉ có cỏ lau và sú vẹt. Thực hiện Nghị quyết TW tại Đại hội Đảng toàn quốc 1960, huyện Tiền Hải thực hiện 2 mũi tiến quân là: Thâm canh cây cói và tiến quân ra biển. Tháng 3/1960 huyện Tiền Hải huy động nhân công các xã đắp con đê từ thôn Hoàng Môn đến xã Nam Thịnh dài 2km. Cuối năm ấy, công việc quai đê lấn biển của huyện đã cơ bản hoàn thành. Lúc đó, toàn xã chỉ có hơn 400 ha đất nông nghiệp, trong đó có 90 ha đất lúa, còn lại là đất chua mặn trồng một số loại cây như cói, rau. Bác Phạm Xuân Khoát, một trong những thành viên của đội khai hoang quai đê lấn biển ngày đó nhớ lại:“Đầu tiên trồng lúa, năm đầu tốt lắm. Trồng cả ở vùng nước mặn cơ mà. Sau đó lại chuyển sang trồng cói, rồi sau đó lại chuyển lại trồng lúa. Chuyển đổi 5 lần mới ra được các mô hình quy củ như bây giờ, vùng nào trồng lúa, vùng nào nuôi trồng thủy sản. Nông dân Nam Cường rất vất vả nhưng bây giờ thì xã đã trở thành một vùng đất trù phú. So với các xã khác, chúng tôi khẳng định là không hề thua kém mà còn có phần hơn”.
Thực hiện Nghị quyết 26 của TW và QĐ 800 của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới 2011-2013 Đảng ủy địa phương đã xây dựng nhiều Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện các tiêu chí phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới. Nam Cường hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt. Mảnh đất của những đồng cói nước ngập mênh mông, chim bay hun hút không tìm được chỗ dừng năm xưa nay đã thành những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Ông Hoàng Ngọc Sang, chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết, địa phương là một trong những xã về đích sớm trong chương trình xây dựng NTM: “Xã Nam Cường mặc dù không nằm trong các xã được chỉ đạo điểm trong phát triển xây dựng NTM. Nhưng có sức người, sức của, chính quyền địa phương và nhân dân đồng sức đồng lòng xây dựng quê hương. Nam Cường đã cán đích NTM sớm năm 2013”.
Có thể thấy rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu trong "tam nông" ở Nam Cường nói riêng và mọi miền quê trên khắp cả nước nói chung đã góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Điều này giúp tạo thêm những tiền đề vật chất cần thiết, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nông nghiệp chính là một yếu tố quan trọng giúp nước ta đứng vững trước những tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực và thế giới. Mới đây, trong Hội nghị Tổng kết 5 năm kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến: “Nghị quyết 26 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cả nước ta toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã nỗ lực triển khai nghị quyết TW. Sau đó chúng ta có một chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết TW 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thực hiện nghị quyết đó quyết định xây dựng ctr mục tiêu quốc gia xd ntm. Đến nay tổng kết 5 năm về chương trình này, chúng ta thấy rằng đạt được kết quả rất đáng trân trọng và những kq này tạo tiền đề, thuận lợi trong 5 năm tới thực hiện tốt hơn. Khi bắt đầu thực hiện chúng ta chỉ đạt bình quân hơn 4 tiêu chí. Nhưng đến nay, con số đó là là 12,7 tiêu chí, làm tròn thành 13 tiêu chí. Đó là tiền đề rất lớn để chúng ta thực hiện mục tiêu trong 5 năm tới”.
Sau 30 năm đổi mới, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. An ninh lương thực quốc gia tiếp tục bảo đảm, tuy diện tích trồng lúa giảm để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác, nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng.Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa. Trong nội bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch tích cực hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.