Theo đó, hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả 6 lĩnh vực: phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết lần này dựa trên những nguyên tắc mang tính nền tảng, hai Bộ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để đạt được mục tiêu chung, đó là thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông, lâm và thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, hai Bộ cần dồn sức phối hợp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng có nhiều dư địa phát triển, nhất là rau quả, thịt lợn, sữa, tôm nước lợ, cá tra, xuất khẩu gạo chính ngạch...
Với việc tăng cường phối hợp giữa hai Bộ để triển khai quyết liệt các nội dung được cụ thể hóa tại Bản ghi nhớ này, trong thời gian tới, công tác sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực, phấn đấu đưa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản năm 2017 đạt 31 tỷ USD trở lên.
Đồng thời đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của hai Bộ được thông suốt, hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới khó khăn.