Đề phòng sâu bệnh cuối vụ, thu hoạch nhanh diện tích đông xuân, giành đất gieo cấy vụ Mùa và Hè Thu, là khuyến cáo được ngành nông nghiệp đưa ra tại hội nghị “Sơ kết sản xuất đông xuân 2016, triển khai kế hoạch sản xuất Hè Thu và vụ Mùa 2016 ở các tỉnh phía Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 24/5 tại tỉnh Hà Nam.
Thời tiết bất thuận, rét đậm rét hại đầu năm, hạn hán xảy ra trong vụ Đông Xuân nhưng với năng suất đạt 62,5 tạ/ha, vụ đông xuân 2015-2016 toàn miền Bắc đánh giá là vụ được mùa, với sản lượng ước tính 7 triệu 200 tấn thóc. Có được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo và dự báo kịp thời trong điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi cây trồng, theo đó, cơ cấu giống lúa chất cao lượng tăng nhanh ở nhiều địa phương, cùng với áp dụng gieo sạ, gieo vãi đã góp phần giảm chi phí hạt giống và công lao động trong sản xuất….
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh được dự báo tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ đảm bảo sản xuất Hè Thu và vụ Mùa thắng lợi. Trong đó, đặc biệt chú ý đến cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, chủ động có phương án chống úng ngập ngay từ đầu vụ, hạn chế thiệt hại do mưa lũ làm chết lúa sau cấy…
Chủ động sản xuất, các địa phương cũng cần lưu ý sâu bệnh có khả năng tăng cao về cuối vụ Đông Xuân, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, sâu bệnh từ nay đến cuối vụ Đông Xuân còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần đặc biệt lưu ý phải bảo vệ cây trồng. Trong đó, các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu. Vì vậy, cán bộ nông nghiệp của các địa phương phải cùng bà con nông dân bám ruộng, kịp thời phát hiện và tuyên truyền, khuyến cáo những chân ruộng nào phải phun thuốc trừ rầy, và phun vào thời điểm nào phải hướng dẫn cụ thể cho nông dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu rất khó dự báo những diễn biến bất thường; vì vậy, Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong điều kiện bất thuận của thời tiết và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung sản xuất, quyết liệt trong chỉ đạo, đảm bảo đủ giống gieo cấy cho các địa phương.
“Chúng ta phải có những biện pháp chủ động ứng phó. Vụ Đông Xuân năm nay hầu hết các địa phương miền Bắc khung thời vụ bị muộn hơn từ 1 tuần đến nửa tháng thậm chí có những tỉnh chậm đến 20 ngày, cho nên thời gian chuyển từ vụ Đông Xuân sang vụ Hè Thu, vụ Mùa rất ngắn thời gian đòi hỏi phải thu hoạch sớm, lúa chín đến đâu chúng ta phải thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, làm đất nhanh kịp thời để tranh thủ gieo cấy vụ Hè Thu và vụ Mùa nhanh nhất. Theo đó, Đồng bằng sông Hồng nâng cao tỷ lệ gieo cấy mùa sớm, giải phóng đất nhanh để có thể làm vụ Đông tiếp theo; đối với các tỉnh Bắc Trung bộ cũng phải làm sớm để né lũ lụt và mưa bão” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, vụ Hè Thu và vụ Mùa năm nay toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1 triệu 322 nghìn ha, giảm khoảng 12 nghìn ha so với năm 2015. Năng suất trung bình đạt 50,1tạ/ha; sản lượng ước tính 6 triệu 622 nghìn tấn./.