Ông Jong Ha Bae cho biết, FAO có mặt ở Việt Nam từ năm 1978. Trong 40 năm hoạt động, FAO đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng chính sách; chương trình kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và bệnh trên lợn; đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ chương trình biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác; phối hợp với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, FAO sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình khung 5 năm (2017-2022), trong đó xác định những ưu tiên, những chiến lược quốc gia của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảm ơn và đánh giá cao những chương trình thời gian qua FAO đã hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an sinh, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện kinh tế nông nghiệp đang chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đời sống nông thôn. Đến nay, hơn 70% dân số và 47% lao động sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn. Việc giúp đỡ của FAO đã góp phần giúp ngành NN&PTNT tăng trưởng mạnh, từ một nước thiếu đói phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã tự chủ và xuất khẩu lương thực, góp phần hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thu nhập của người dân Việt Nam mới đạt 2.000 USD/người/năm trong khi Việt Nam đang bị tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu. Do đó, giữa Bộ NN&PTNT và FAO còn có rất nhiều chương trình cần phối hợp, hợp tác, như việc triển khai xây dựng nông thôn mới; công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương.., Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ để triển khai các chương trình hợp tác với FAO trong thời gian tới./.