Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ nhất bên phải) phát biểu tại buổi họp
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đại diện phía Hiệp hội ngành hàng đều có chung nhận định, mặc dù cà phê và tiêu là những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi nhằm tạo ra giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Đối với ngành cà phê, năm 2016 xuất khẩu cà phê nhân nước ta đứng thứ hai thế giới với sản lượng 1,78 triệu tấn (đạt 3,34 tỷ USD), tăng 32,8% về lượng và 25% về giá trị. Nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê nước ta còn thấp, do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Theo Cục Trồng trọt, tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước. Và nếu bổ sung 32.000 tấn cà phê chế biến của Nhà máy cà phê hòa tan Tín Nghĩa trong năm 2017 thì theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt, tỷ lệ cà phê chế biến sâu của Việt Nam là 12%. Đây là con số rất khiêm tốn.
Nhắc lại thông tin trong chuỗi cà phê, chúng ta chỉ thu được vài % lợi nhuận, còn lại nước ngoài hưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đặt vấn đề: “Chế biến lãi nhiều sao doanh nghiệp ít đầu tư?” Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vinh cho rằng, đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn, nhưng việc tiêu thụ cà phê ở trong nước ít và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp FDI. Về thị trường, hiện doanh nghiệp chủ yếu mới xuất khẩu được sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), còn xuất sang Lào, Campuchia số lượng không đáng kể. Trong khi đó, tại Brazin, họ tiêu dùng trong nước tới 43%, Indonesia tiêu dùng 34-35%... Chính vì thế, theo ông Vinh, một trong những vấn đề trọng tâm của Hiệp hội cà phê Ca cao Việt Nam trong những năm tới là thúc đẩy chế biến và tiêu dùng cà phê ở trong nước.
Nói về chuỗi giá trị, ông Vinh cho hay: “Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân có vấn đề: 94,5% là người nông dân tham gia vào chuỗi cà phê, nhưng 1ha của họ được 3-5 tấn thì bán lượng đó với giá trị gia tăng không đáng kể, nhưng mà mấy ông thương lái, trung gian, tính ra chỉ 3%, nhưng ông lại số lượng rất lớn nên thu lợi rất cao. Bây giờ xử lý chuỗi giá trị gia tăng này thì phải liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân”. Cũng theo ông Vinh, mua bán cà phê qua thương lái có rất nhiều rủi ro về chất lượng. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp trong hiệp hội họp bàn nhiều, nhưng các doanh nghiệp lớn đều bảo “không làm thế nào để thoái ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được”. Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về cà phê xuất khẩu, nhưng hiện các doanh nghiệp chỉ bán theo “thỏa thuận” về độ ẩm, hạt vỡ, tạp chất bao nhiêu % là chính, số tuân thủ theo tiêu chuẩn chỉ khoảng 1%. Điều này khiến cà phê của Việt Nam bị trả giá thấp.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế bằng phương pháp chế biến khô tại hộ gia đình với sân phơi bạt, sân gạch, sân xi măng khiến chất lượng cà phê sơ chế tại nông hộ còn thấp. Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ với máy móc thiết bị chế tạo trong nước, chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Việc pha trộn nguyên liệu thay thế chưa được kiểm soát dẫn đến chất lượng cà phê bột còn hạn chế.
Tương tự, mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chưa chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao để xuất khẩu. Hiện nay, ngành hồ tiêu đang phải đối mặt với tình trạng phát triển nóng do tăng nhanh diện tích trồng hồ tiêu trong những năm qua (hiện diện tích trồng hồ tiêu cả nước vào khoảng 125.000ha), qua đó phát sinh rủi ro về giá (giá bán hồ tiêu giảm gần một nửa, hiện ở mức 110.000 đồng/kg) và tình hình dịch bệnh chết nhanh chết chậm và bệnh tuyến trùng đang gây hại ở các địa phương.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá mặc dù hồ tiêu là cây tỷ đô, nhưng còn hạn chế ở các khâu: giống, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, thời gian qua do giá tiêu tăng cao nên nông dân gia tăng mạnh diện tích trồng tiêu và chăm bón nhiều dẫn đến hiện tượng đất chai cứng và dịch bệnh phát sinh. Đây là những nhân tố khiến việc phát triển ngành tiêu kém bền vững, chất lượng hồ tiêu chưa đạt như mong muốn.
Vì thế, Thứ trưởng giao Cục BVTV, phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác tốt giữa doanh nghiệp và nông dân về sản xuất an toàn, qua đó tuyên truyền, nhân rộng. Theo Thứ trưởng, hồ tiêu Việt Nam sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu (tới 98%), do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cần có trách nhiệm với ngành, với nông dân trong việc liên kết, thúc đẩy sản xuất hồ tiêu an toàn, sạch bệnh và bền vững.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, bất cập lớn nhất của ngành hồ tiêu hiện nay là chưa có bộ giống chuẩn mặc dù Bộ đã cho ra đời Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu Gia Lai. Chính vì thế, bà Oanh đề nghị cần đẩy nhanh chương trình giống cho hồ tiêu. Về việc thúc đẩy liên kết doanh nghiệp với nông dân, bà Oanh cho rằng, cần xây dựng và thúc đẩy hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn và nên truy xuất xuất xứ sản phẩm để bảo vệ uy tín và thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp. Theo bà Oanh, các đối tác nước ngoài luôn sẵn sàng trả giá cao từ 10-20%, thậm chí đối tác Đan Mạch trả 50% giá chênh lệch nếu có tiêu sạch, an toàn để cung cấp cho họ./.