Hội nghị năm nay có sự tham dự của hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và PTNT của các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu, thành viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA); các đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia bao gồm các nước thành viên IPC (Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka), các khách mời từ Trung Quốc, Đức, Pháp, Hà Lan, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan..., đại diện của một số tổ chức quốc tế và các đối tác liên quan trong ngành hồ tiêu và gia vị.
Hội nghị IPC lần thứ 47 diễn ra trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh hồ tiêu trên thế giới đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, khủng hoảng tài chính toàn cầu, thời tiết khí hậu biến đổi thất thường và tình trạng sâu bệnh phá hoại cây trồng chưa kiểm soát được. Thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới những sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, giá cả diễn biến khó lường. Những yếu tố trên đã và đang gây bất ổn đến sản xuất, kinh doanh của ngành hồ tiêu toàn cầu.
Tại lễ khai mạc sáng 12/11/2019, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu gần 250.000 MT, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Hồ tiêu hiện được trồng chủ yếu tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Trị và Phú Quốc, tạo sinh kế cho gần 200.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam. Năng lực chế biến hồ tiêu của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được nhà máy chế biến công nghệ cao, xử lý sản phẩm qua hơi nước, tiệt trùng, đóng bao hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm đa dạng: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức: (i) Về chất lượng, các quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với các yêu cầu mới của thị trường quốc tế; (ii) Về giá, giá hồ tiêu thế giới liên tục sụt giảm từ 10 USD/kg năm 2015 xuống còn 2 USD/kg năm 2019 do diện tích trồng hồ tiêu tăng nhanh trong giai đoạn 2008 – 2014.
Tại phiên khai mạc, IPC đã trao Giấy chứng nhận ghi nhận những kết quả sản xuất và kinh doanh hồ tiêu thuộc các nước thành viên trong thời gian vừa qua.
Chương trình Hội nghị sẽ kéo dài trong 4 ngày gồm: Hội nghị các trưởng đoàn các nước thành viên IPC; Hội nghị các nhà xuất khẩu; Hội nghị về kỹ thuật; Hội nghị các nhà xuất, nhập khẩu; triển lãm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước liên quan tới lĩnh vực hồ tiêu; chương trình thực địa kết hợp với tham quan khảo sát tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu...
Với trách nhiệm là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam cùng Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận những vấn đề liên quan tới việc nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu, đáp ứng nhiều hơn nữa yêu cầu của thị trường hồ tiêu toàn cầu.