Tính đến nay, đã có 646 hộ dân chăn nuôi trong chín xã nói trên đã được chứng nhận VietGap, và dự kiến hoàn thành chứng nhận VietGap thêm cho 95 hộ vào cuối năm.
Tuy vậy, theo Ban quản lý dự án LIFSAP, dù đã có vùng an toàn dịch bệnh và sản phẩm đạt VietGap, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi và đơn vị thu mua còn hạn chế do các hộ chăn nuôi nhỏ, số lượng giao dịch không nhiều, không liên tục.
Một trong những khó khăn nữa là hiện nay chưa có cửa hàng, quầy sạp giới thiệu sản phẩm VietGap và logo nhãn hiệu, bao bì nhận biết sản phẩm VietGap tiêu thụ trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn, so sánh.
Điều này có phần giống đối với trường hợp những sản phẩm trồng trọt đạt chuẩn VietGap - mà TPHCM triển khai những năm trước- nhưng lại không bán được vì thiếu khu vực bán hàng, phải bán chung với các sản phẩm rau quả trồng theo cách truyền thống tại các chợ.
Vì thế, để giải quyết khó khăn này, theo thông tin mà TBKTSG Online có được, thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, sẽ có ít nhất một cửa hàng bán thịt VietGap trên địa bàn thành phố được khai trương.
Ngoài việc hỗ trợ TPHCM xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, LIFSAP còn hỗ trợ nâng cấp các chợ, hỗ trợ người dân trang bị thiết tại các quầy, sạp bán thịt, cung cấp cho các cơ sở giết mổ máy phun áp lực, máy nước nóng năng lượng mặt trời để cải thiện điều kiện vệ sinh thú y trong kiểm soát giết mổ, cũng như hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas nhằm tận dụng chất thải trong chăn nuôi để lấy khí gas cho các sinh hoạt nấu ăn hằng ngày.