Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua có rất nhiều địa phương và cá nhân tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình chăn nuôi VietGAHP.
Chăn nuôi VietGAHP là hướng đi bền vững
Kết quả, có nhiều trang trại và hộ chăn nuôi thu được lợi nhuận cao, bền vững nhờ kiên trì với hướng đi này…
Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hoạt động khuyến nông đã và đang tích cực thực hiện và triển khai Quyết định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAHP.
Tiêu biểu phải kể đến Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai đã phối hợp với dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi & an toàn thực phẩm” (Lifsap), Ngân hàng Thế giới tài trợ tổ chức tập huấn quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho heo tại 52 nhóm GAHP của 3 huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất.
Kết quả, đã có 622 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tỉ lệ 89,88%). Trong số đó, trang trại của ông Đoàn Thanh Long (xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh) 5 năm qua luôn miễn nhiễm với dịch bệnh, heo xuất chuồng khỏe mạnh, an toàn và thu lãi từ 0,7 – 1 triệu đồng/con. Sau khi thành công với trang trại gia đình, ông Long còn phổ biến kỹ thuật nuôi cho bà con trong và ngoài ấp. Từ tổ hợp tác heo trước đây, ông còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAHP, quy tụ 20 thành viên cùng chí hướng.
Tương tự, Trạm Khuyến nông Củ Chi (TP.HCM) đã tổ chức thực hiện 2 mô hình chăn nuôi heo áp dụng theo quy trình VietGAHP tại 3 xã Phước Thạnh, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ với quy mô 54 con, 6 hộ tham gia.
Tại hộ ông Đỗ Văn Có (ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh) đàn heo phát triển tốt. Sau 3 tháng 15 ngày nuôi trọng lượng bình quân đạt 100 kg/con, lợi nhuận đạt 720.000 đồng/con. Như vậy, trung bình mỗi tháng gia đình ông thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi heo.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản áp dụng quy trình VietGAHP với số lượng 40 con, tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Tại một mô hình có 10 nái, tổng chi phí khoảng 55 triệu đồng, tổng thu 110 triệu đồng, lợi nhuận 45 triệu đồng sau một lứa nuôi.
Còn tại Bình Phước, mô hình nuôi gà ta thả vườn theo hướng VietGAHP của hộ anh Nông Văn Hữu (ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Khi áp dụng, tỷ lệ hao hụt <= 5%, bình quân nuôi 3 tháng rưỡi, trọng lượng đạt 1,7 kg/con, tiêu tốn 2,7 kg cám/kg gà, bình quân 1.000 con gà ăn đến lúc xuất chuồng khoảng 4,5 tấn cám (4,5 kg/con). Ngoài ra, anh bổ sung rau, bắp, nâng cao chất lượng thịt, trừ chi phí lãi 14 triệu đồng/1.000 con gà.
Việc tập huấn chăn nuôi gia cầm theo hướng VietGAHP cũng được Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh tổ chức, với sự tham gia đông đảo của các nông dân, chủ trang trại chăn nuôi tiêu biểu và các cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn các xã/phường/thị trấn trong tỉnh.
Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn cho thu nhập cao, bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.