Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm theo hướng VietGap tại Hà Tĩnh
Được sự hỗ trợ của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Dự án CRSD) từ năm 2014 -2016 tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 06 vùng nuôi tôm thâm canh theo hướng ViệtGAP, tạo ra sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng và phát triển theo hướng bền vững.
Nhằm giúp Hà Tĩnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững Dự án CRSD đã hỗ trợ Hà Tĩnh triển khai 06 vùng nuôi tôm VietGAP (Hộ Độ, Thạch Long, Thạch Khê, Xuân Đan, Cẩm Lộc, Thạch Hạ), với sự chuẩn bị kế hoạch khá tốt và sự phối hợp nhuần nhuyễn của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, Trung tâm kỹ thuật và quan trăc môi trường Hà Tĩnh. Sau 02 năm thực hiện dự án hiệu quả từ bộ mặt vùng nuôi (Toàn cảnh vùng nuôi), nhận thức người nuôi tôm thay đổi rõ rệt thông qua các hoạt động hỗ trợ.
Vùng nuôi tôm ViệtGAP xã Thạch Khê (Thạch Hà)
Thứ nhất: Thay đổi toàn cảnh vùng nuôi. Trước năm 2014 vùng nuôi tôm Thạch Long, Xuân Đan, Hộ Độ duy nhất chỉ có một cống cấp và thoát nước chung, các hộ dân phải sự dụng máy phát, đường đi lại khó khăn… Nhưng được sự hỗ trợ của dự án hiện nay toàn vùng đã thay đổi người dân không phải sự dụng máy phát điện, hệ thống kênh cấp nước nổi thuận lợi…
Hệ thống kênh mương nổi tại vùng Thạch Long (Thạch Hà)
Đường giao thông vùng nuôi tôm Hộ Độ (Lộc Hà)
Thứ hai: Nhận thức người nuôi tôm trong 06 vùng thực hiện dự án thay đổi. Thông qua đào tạo, tập huấn, hội thảo… người dân nhận thức rõ để được hội nhập với thế giới, với cộng đồng cần phải thay đổi tư duy và cách làm mới. Trước đây các vùng nuôi này thường lấy giống trôi nổi từ khi có hướng dẫn của cán bộ dự án người dân đã ý thức Con giống quyết định một phần lớn trong việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Trước 2014 chỉ có 25% các hộ lấy giống có kiểm dịch đến nay có trên 75 % các hộ nuôi trong vùng thực hiện dự án sử dụng con giống chất lượng và/hoặc con giống có chứng nhận chất lượng; 90 % hộ nuôi đều kiểm tra nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; 92% hộ nuôi trong vùng thực hiện dự án đều có sổ ghi chép liên quan vụ nuôi.
Hồ sơ lưu giữ của hộ nuôi
Thứ ba: Hiệu quả kinh tế đạt cao hơn. Sau 02 thực hiện dự án tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh ở 06 vùng thực hiện dự án Giảm 64% thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Năng suất bình quân ở 06 vùng đạt 8 - 10 tấn/ha/vụ nuôi. Có hộ đạt 12 tấn/ha/vụ nuôi (Hộ Ông: Nguyễn Văn Mại (Hộ Độ); Phan Văn Thức (Thạch Khê)…)
Thứ tư: Hiệu quả về môi trường tốt hơn: Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên & Môi trường tiến hành lấy mẫu nước theo định kỳ 1 lần/tháng đo các chỉ tiêu (pH, Nhiệt độ, Độ mặn, Độ trong, Oxy hoà tan, độ kiềm, H2S, NO2, NH4, Clorua, Colifom) tại các vùng vùng nuôi.
Kết quả giám sát chất lượng nước cấp đều được nhanh chóng thông báo đến tổ cộng đồng và người nuôi. Từ kết quả phân tích chất lượng nước, các tư vấn GAP của dự án đưa ra các cảnh báo về môi trường cũng như hướng dẫn những biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm ổn định môi trường nước cho vùng nuôi, đảm bảo chất lượng nước cho ao nuôi trồng thủy sản.
Ngoài việc sử dụng các ao xử lý thải chung, khuyến khích các hộ có thể điều chỉnh quy hoạch lại cơ sở nuôi của mình bảo đảm có 01 ao xử lý thải riêng của cơ sở nuôi của mình hoặc xử lý tốt nguồn nước trước khi thải ngay tại ao nuôi. Thải ra môi trường bên ngoài (xử lý vôi 5-7 ngày trước khi xả thải, hướng dẫn quy trình sản xuất sử dụng chế phẩm sinh học, quy trình nuôi thả cá vào ao tôm sau thu hoạch …vv…). Đối với những ao nuôi bị dịch bệnh nằm trong mục bệnh nguy hiểm, tuyệt đối phải dùng Chlorine (20-30ppm) xử lý nước trong thời gian 7-10 ngày mới được thải ra kênh thoát.
Bùn thải ao nuôi sau các vụ nuôi được phơi khô trộn vôi và vận chuyển đến nơi thích hợp. Các hộ dân đã chủ động thu gom chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ra khỏi khu vực nuôi và xử lý đúng quy định.
Khu xử lý chất thải rắn của vùng nuôi tôm Hộ Độ
Trong xu thế cạnh tranh từ thị trường mặt hàng thủy sản và các rào cản về kỹ thuật của các nước Việt Nam xuất khẩu đòi hỏi các mặt hàng thủy sản phải đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường và có truy xuất nguồn gốc. Do đó, các nhà quản lý và người nuôi phải kiểm soát được nguồn gốc, dịch bệnh, môi trường và đáp ứng hiệu quả về kinh tế. Để tôm nuôi Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung có lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường cần phải hướng tới nuôi áp dụng các tiêu chí ViệtGAP.