Thực tế mở thầu lại 2 gói thầu bị cướp hồ sơ dự thầu tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Bình Định đã cho thấy, khi những cuộc thầu được tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch thì sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo nhà thầu, giá dự thầu của các nhà thầu rất cạnh tranh, tạo niềm tin, sân chơi công bằng cho các nhà thầu.
Giá dự thầu lần 2 rất cạnh tranh tại 2 gói thầu bị cướp hồ sơ cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và báo chí đã đem lại hiệu quả tốt. Ảnh: Nguyệt Minh
Theo đánh giá của các chuyên gia đấu thầu, đó là những tín hiệu tích cực từ những cuộc thầu cạnh tranh thực sự.
Tạo sân chơi bình đẳng cho nhà thầu
Gói thầu Bình Định 05-XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu được mở thầu lại ngày 30/8/2016 với sự tham gia nộp HSDT của 14 nhà thầu (tăng gần gấp 5 lần về số lượng nhà thầu tham gia nộp HSDT so với lần đầu) và mặt bằng giá dự thầu rất cạnh tranh. Trung bình giá dự thầu thấp hơn khoảng 30% so với mặt bằng giá dự thầu lần đầu, (tương đương khoảng 10 tỷ đồng). Còn Gói thầu Sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh chính Ea Kao do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đã được mở thầu vào chiều ngày 6/9 với sự tham gia của 13 nhà thầu, mức giảm giá rất cao so với giá gói thầu (trên dưới 40%).
Trước khi Lễ mở thầu 2 gói thầu trên được tiến hành, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi Công an phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) - địa bàn diễn ra Lễ mở thầu - đề nghị xem xét, có biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh trong thời gian đóng và mở thầu 2 gói thầu nêu trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu tham dự, hạn chế tiêu cực và các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đại diện Ban QLDA phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung - khoản vay bổ sung cho biết, các nhà thầu tham dự thầu lần này đều đánh giá quá trình tổ chức đấu thầu lại các gói thầu này đã diễn ra minh bạch và công khai. Còn đại diện Công ty CP PTXD và Thương mại Thuận An (nhà thầu tham dự thầu lần 2 Gói thầu Bình Định 05-XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu) cũng cho biết, nhà thầu cảm thấy mừng cho đất nước, giá dự thầu của các nhà thầu giảm khoảng 35% so với mặt bằng giá dự thầu lần đầu, nên số tiền tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước là không nhỏ. Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, giá dự thầu của Công ty TNHH Nhật Minh trong lần đấu thầu lại này cũng giảm hơn 6.457 triệu đồng so với giá dự thầu của Liên danh Công ty TNHH Nhật Minh - Hiếu Ngọc khi tham dự thầu lần đầu (giá dự thầu lần đầu hơn 32.384 triệu đồng, giá dự thầu lần sau chỉ 25.927 triệu đồng, mặc dù giá dự thầu này còn cao hơn nhiều giá dự thầu của các nhà thầu khác).
Cạnh tranh thực sự, hiệu quả đấu thầu sẽ rất lớn
Kết quả mở thầu 2 gói thầu bị cướp HSDT tại Đắk Lắk và Bình Định mới đây cho thấy số lượng nhà thầu tham dự thầu rất đông và giá dự thầu giảm mạnh so với mặt bằng giá dự thầu lần đầu. Tương đương mỗi gói tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước.
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), thực tế 2 gói thầu bị cướp HSDT tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Bình Định khi được tổ chức đấu thầu lại đã thu hút được nhiều nhà thầu tham gia nộp HSDT, giá cạnh tranh cho thấy, nếu đấu thầu cạnh tranh thực sự sẽ tạo được niềm tin, tạo ra sân chơi công bằng cho các nhà thầu. Từ đó hiệu quả của công tác đấu thầu, hiệu quả từ việc sử dụng tiền đầu tư của Nhà nước sẽ rất lớn. Nếu số tiền tiết kiệm được qua những cuộc thầu cạnh tranh như thế này mà sử dụng vào việc xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ học sinh nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn… thì hiệu quả kinh tế sẽ vô cùng lớn.
Ông Tăng nhấn mạnh: Bản thân giá dự thầu của nhà thầu tham gia cả 2 lần mở thầu Gói thầu Bình Định 05-XL: Xây dựng mới cầu Trường Cửu mà giá dự thầu lần sau giảm sâu so với lần đầu cũng đã nói lên tính cạnh tranh của lần mở thầu lại gói thầu này. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, Thủ tướng Chính phủ đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng thì sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan như: Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – cơ quan cho vay vốn để thực hiện các gói thầu trên, các địa phương, báo chí đối với những vấn đề “nóng” liên quan đến công tác đấu thầu 2 gói thầu trên rất có ý nghĩa. Điều này cũng cho thấy nếu có một sự “nhập cuộc” mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành, địa phương, tính minh bạch và hiệu quả của công tác đấu thầu sẽ được nâng cao, công cuộc đấu tranh với các tiêu cực dù khó nhưng vẫn có thể làm được.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 7/9, ông Đặng Hữu Cự, cán bộ phụ trách quan hệ đối ngoại của ADB tại Việt Nam cho biết, với vai trò là cơ quan cho vay vốn, ADB sẽ không khoan nhượng với các hành vi sai phạm trong đấu thầu các dự án sử dụng vốn vay của ADB. ADB sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để cải tiến quy trình, thủ tục nhằm đảm bảo các tiêu chí minh bạch, liêm chính trong đấu thầu, tạo cơ hội bình đẳng và công bằng cho các nhà thầu khi tham gia các dự án sử dụng vốn ADB.