VnSAT là dự án nông nghiệp đầu tiên hỗ trợ cho ngành sản xuất lúa gạo và cafe có giá trị nguồn vốn lên đến 301 triệu USD nhắm trực tiếp vào hai nhóm đối tượng là nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Dự án bao phủ chuỗi liên kết từ đào tạo tập huấn phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững cho nông dân, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn từ đó thúc đẩy sự hình thành của các tổ chức nông dân tiến tiến, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đến việc kết nối tổ chức nông dân với Các doanh nghiệp trong dự án để hình thành những chuối liên kết hoàn chỉnh.
Chỉ trong 6 tháng triển khai thực hiện với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án đã được hoàn thiện tạo sự thông thoáng cho công tác vận hành hoạt động và tính thống nhất trên toàn dự án.
Đến nay có hơn 25.000 nông dân trồng lúa khu vực ĐBSCL với diện tích canh tác là gần 50.000 hecta được đào tạo, tập huấn về 3G3T, 1P5G. Gần 10.000 hộ nông dân trồng cafe khu vực Tây Nguyên với diện tích canh tác gần 10.000 hecta được đào tạo ,tập huấn về sản xuất cafe bền vững.
Ông Lê Văn Hiến – Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp – Giám đốc dự án chia sẻ: “Ban quản lý dự án Trung ương với vại trò là chủ dự án . Ngoài các hợp phần của trung ương chúng tôi sẽ sát sao trong việc tổ chức hướng dẫn các Ban quản lý dự án địa phương triển khai các hoạt động cụ thể của từng hợp phần dự án. Đồng thời kiểm tra , theo dõi, giám sát việc đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương đúng với mục tiêu của dự án nhằm nâng cao các hoạt động có hiệu quả, tạo tiền đề thực hiện tốt dự án này vào những năm tiếp theo.”
Những hỗ trợ mang tính chiến lược từ WB
Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn ngay từ khi khởi động dự án Ngân hàng thế giới đã đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT trong mọi hoạt động của dự án. Ông Cao Thanh Bình - Đại diện WB tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi có một giấc mơ về hạt gạo của Việt Nam trên thị trường Thế Giới. Tôi tin rằng hạt gạo của Việt Nam trong tương lai sẽ được đựng trong những chiếc bao bì đẹp, thân thiện môi trường có chỉ dân địa lý cụ thể và thậm chí là cả một câu chuyện đẹp về người nông dân Việt Nam, về tầm nhìn và sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ và Bộ NN&PTNT trong việc nâng cao giá trị hạt gạo Việt.
Có thể nói, việc tăng cường hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù lúa gạo chúng ta sản xuất nhiều nhưng chất lượng còn kém và liên quan đến vấn đề môi trường, xã hội. Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp nguồn vốn tín dụng lớn, Ngân hàng Thế giới còn hỗ trợ tái cơ cấu để người nông dân được tiếp cận đến những kĩ thuật quan trọng như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm cho trồng lúa và cà phê. Đồng thời, thông qua những biện pháp như giảm nước, giảm phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu, tăng cường lợi ích, lợi nhuận của người nông dân so với trước đây. Như vậy, nhờ việc tái cơ cấu này giúp cho sản xuất lúa gạo và cà phê thân thiện với môi trường hơn, đồng thời tăng them lợi ích cho người nông dân.
Ông Sergiy Zorya – Chuyên gia kinh tế cao cấp về nông nghiệp của WB cho hay: “Năm 2017 WB sẽ tiếp tục hỗ trợ ủng hộ Ban quản lý dự án VnSAT triển khai hiệu quả các hoạt động chung của dự án trong đó đặc biệt thúc đẩy thành lập các tổ chức nông dân và giải ngân nguồn vốn tín dụng cho các hộ nông dân trồng Cafe Tây Nguyên, Doanh nghiệp chế biên lúa gạo khu vực ĐBSCL”.