Ngày 27/3/2017 tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk lắk, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại VN (VnSAT) tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2017 (Hợp phần cà phê). Đến tham dự hội nghị có Lãnh đạo Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT của 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kontum, Gia lai, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cùng đại diện của một số Tổ chức nông dân tham gia vùng hỗ trợ của dự án và các đơn vị báo đài truyền hình.
(toàn cảnh Hội nghị)
Dự án "Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), mã số Cr. 5704-VN với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, bao gồm 237,292 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế Giới (IDA), 28,788 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Dự án được thực hiện từ năm 2015-2020 tại 13 tỉnh gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của VN là ĐBSCL và Tây Nguyên.
Với mục tiêu trọng điểm vào Đào tạo, tư vấn nông dân giải pháp kỹ thuật trồng cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán; Hình thành các tổ chức nông dân và kết nối, tư vấn nông dân tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cà phê; Đưa nông dân và doanh nghiệp kết nối và tham gia và chuỗi giá trị ngành hàng cà phê. Trong năm 2016 - năm đầu tiên triển khai thực hiện, dự án đã bước đầu đạt được những hỗ trợ thiết thực và nền tảng tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật triển khai được đồng bộ và hiệu quả.
(Ông Ychal đồng bào êđê Chủ nhiệm hợp tác xã Eakmat daklak phát biểu tham luận tại Hội nghị)
Tính đến 20/3/2016 tất cả các tỉnh đã triển khai các lớp TOT để cung cấp nguồn tiểu giáo viên cho các lớp đào tạo FFS. Đã tổ chức được 13 lớp TOT với 355 tiểu giáo viên được đào tạo. Đào tạo quy trình sản xuất cà phê bền vững cho tổng số 7.540 nông dân với diện tích 8.632 ha. Đến nay cả 5 tỉnh đã tiến hành đào tạo tái canh cà phê cho 3.492 nông dân với diện tích 2.242 ha. Ban quản lý dự án Trung ương (CPMU) thường xuyên tổng hợp danh sách nông dân đã được tập huấn tái canh cà phê gửi tới BIDV để triển khai hoạt động tín dụng tái canh. Một số tỉnh thực hiện xây dựng các điểm trình diễn về tái canh cà phê bền vững như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tổng giá trị thực hiện năm 2016 của các đơn vị đạt 30,6 tỷ đồng, trong đó vốn chính phủ: 2,9 tỷ, IDA là 27,4 tỷ đồng, tư nhân là 329 triệu đồng. Về Giá trị giải ngân năm 2016 tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 22,2 tỷ đồng, trong đó vốn IDA là 20,1/26,4 tỷ đồng đạt 76% kế hoạch vốn được giao.
Trong năm 2016, dưới sự hướng dẫn của CPMU và các cơ quan chức năng của Bộ, các Sở NN và PTNT và Ban quản lý dự án các tỉnh (PPMU) đã khảo sát, đánh giá các TCND để có kế hoạch hỗ trợ phát triển; CPMU đang phối hợp cùng các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Trung ương và địa phương xây dựng "Sổ tay hướng dẫn thành lập và hoạt động của Tổ hợp tác, Hợp tác xã phát triển cà phê bền vững" để các địa phương triển khai thống nhất, đồng thời xây dựng Danh sách các TCND tiềm năng của các địa phương vùng Dự án sẽ hỗ trợ thành lập trong thời gian tới.
Đối với mô hình vườn ươm, năm 2016 dự án đã hình thành được 14 vườn ươm đạt chuẩn của VnSAT tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Riêng hoạt động nâng cấp vườn ươm giống đầu dòng và vườn ươm cho Sở NN&PTNT/WASI, trong năm 2017 dự án sẽ nâng cấp thêm 7 vườn sản xuất giống đầu dòng và 7 vườn ươm cho viện WASI và các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp tỉnh (Trung tâm giống; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…)
Trong năm 2017, dự án tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo FFS sản xuất cà phê bền vững và FFS tái canh cà phê gắn với các TCND và các điểm trình diễn. Dự kiến cả 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ xây dựng 124 mô hình trong đó 69 mô hình sản xuất cà phê bền vững và 55 mô hình tái canh cà phê bền vững. Song song với việc đào tạo FFS về canh tác cà phê bền vững trên quy mô lớn, các tỉnh cũng sẽ triển khai 53 lớp tập huấn chuyên đề cho đại diện các tổ chức nông dân, vườn nhân giống cà phê tư nhân qua đó nâng cao năng lực cho các tổ chức này. Ngoài ra, Dự án sẽ hướng tới triển khai các hoạt động hỗ trợ hạ tầng trang thiết bị cho 23 tổ chức nông dân đạt được các tiêu chí đề ra của Dự án. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công và mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất quy mô nhỏ, hỗ trợ các hệ thống tưới tiết kiệm.
Trong khuôn khổ các Hợp phần C, một phần vốn tín dụng tương đương 50 triệu USD, nguồn vốn từ BIDV thông qua PFI cung cấp các khoản vay dài hạn cho các hộ nông dân tái canh cà phê diện tích khoảng 10.000 ha, phù hợp với quy hoạch tái canh cà phê đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Đến tháng 09/2016 phần vốn tín dụng mới giải ngân khoản vay đầu tiên từ Hợp phần cà phê với giá trị là 480 triệu VNĐ cho Coopbank. Trong thời gian qua, để thúc đẩy giải ngân Hợp phần cà phê Sở Giao dịch 3 đã nỗ lực phối hợp cùng với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp như Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý Trung ương dự án VnSAT và PPMU 05 tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ các vướng mắc về các điều kiện kỹ thuật để giải ngân nói trên, đặc biệt là đã ban hành định mức cho vay tài canh cà phê vối do Bộ Nông nghiệp yêu cầu; nỗ lực thực hiện khảo sát tình hình vay vốn tái canh trên địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên thuộc dự án và hướng dẫn triển khai cho vay tái canh cà phê tới các PFI được đã lựa chọn và các PFI tiềm năng; đề xuất và được WB chấp thuận nới lỏng các điều kiện giải ngân tái canh cà phê. Đến nay, về cơ bản, tình hình giải ngân hợp phần đã được khơi thông và khởi sắc. Đến 30/3/2017, ước tính giải ngân 70 tỷ đồng cho 3/6 PFI tham gia dự án: Techcombank, NHTMCP Phương Đông, và NH Hợp tác xã, trong đó Techcombank đạt dư nợ lớn nhất 57 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 4/5 tỉnh Tây nguyên gồm Gia Lai 57 tỷ đồng, Lâm Đồng 3,5 tỷ đồng, Đắk Lăk 11 tỷ đồng, Đăk Nông 8,1 tỷ đồng.
Qua khảo sát của các PFI, nhu cầu tái canh cà phê của người dân tại một số huyện nằm trong kế hoạch tái canh được phê duyệt của tỉnh nhưng không nằm trong vùng của Dự án là rất lớn, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân, hỗ trợ chương trình tái canh cà phê trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cũng là mục đích chính khi thiết kế Dự án. BIDV đã đề xuất WB và Bộ NN&PTNT cho phép BIDV và các PFI được giải ngân nguồn vốn từ cấu phần Tín dụng Dự án VnSAT đến tất cả các xã /huyện nằm trong quy hoạch tái canh cà phê được phê duyệt của 5 tỉnh Tây Nguyên. BIDV và các PFI sẽ thực hiện đúng quy định của Dự án khi tiến hành giải ngân như định mức, cây giống. Bên cạnh đó, cũng đề xuất hỗ trợ đào tạo cho nông dân ở 29 huyện mở rộng này trong điều kiện ngân sách các tỉnh có thể bố trí được.
(Ông Lê Văn Hiến - Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp chủ trì Hội nghị)
Với gần 1 năm triển khai hoạt động, với mô hình thiết kế đặc thù, dự án hứa hẹn đem đến cho đồng bào khu vực Tây Nguyên một cơ hội tiếp cận mới, góp phần tháo gỡ khó khăn đưa nông dân tham gia vào chuỗi giá trị và kết nối với doanh nghiệp đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường. \
Một số hình ảnh Hội nghị: