1. Tên dự án:
Phát triển cao su tiểu điền
2. Cơ quan chủ quản dự án:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
3. Địa điểm thực hiện dự án:
Dự án được thực hiện tại 10 tỉnh thuộc khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên gồm Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lak, Đăk Nông.
4. Thời gian thực hiện: 5 năm (2010-2014)
5. Tổng vốn của dự án và cơ chế tài chính:
Tổng vốn đầu tư của dự án là 26.34 triệu EUR (gồm cả khoản dự phòng tăng giá) trong đó:
Vốn vay AFD (ODA): 15.43 triệu EUR bao gồm 14.8 triệu EUR vốn vay (thời gian vay 17 năm, ân hạn 5 năm), chiếm 56% tổng số vốn dự án và 0.62 triệu EUR viện trợ không hoàn lại, chiếm 2.4% tổng số vốn dự án.
Vốn đối ứng: 10.91 triệu EUR bao gồm 8.75 triệu EUR từ người hưởng lợi (nông dân), chiếm 33.3% tổng số vốn của dự án và 2.16 triệu EUR từ nguồn vốn ngân sách của Chính phủ Việt Nam (trong đó 2.03 triệu EUR của NHNo), chiếm 8% tổng số vốn dự án.
6. Tác động môi trường
Trên cơ sở các văn kiện của Dự án, việc triển khai dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Bảo vệ môi trường ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư.
7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:
Mục tiêu tổng thể của Dự án:
Mục tiêu tổng thể của dự án là đào tạo cho nông dân có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cao su, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, giúp người dân thuộc các dân tộc thiểu số đa dạng hóa nguồn sinh kế, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo và cận nghèo ở các vùng nông thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và lao động đồng thời cải thiện các điều kiện kinh tế và ổn định chính trị xã hội khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Cao nguyên Trung Bộ của Việt Nam.
Những kết quả chính của Dự án:
Để đạt mục tiêu trên, Dự án sẽ dự kiến cho vay khoản 19.000 hộ nông dân nguồn vón dài hạn, chăm sóc diện tích khoảng 28.743 ha cao su của dự án Đa dạng hóa nông nghiệp giai đoạn 1 để đưa vào sản xuất với chất lượng tốt. Sản lượng mủ trung bình dự kiến là 45.000 tấn/năm cho toàn dự án. Từ đó làm tăng năng suất cao su và nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới; cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho người liên quan với ngành chế biến, thu mủ và làm việc tại các nhà máy chế biến cao su, tạo cho nông dân một nghề nghiệp ổn định, cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân tham gia dự án; đặc biệt góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng sâu vùng xa nhất là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.
Đội ngũ cán bộ, khuyến nông viên và hàng chục ngàn nông dân sẽ được nhận hỗ trợ về các dịch vụ khuyến nông cải tiến, được đào tạo và sử dụng thành thạo các thành quả kỹ thuật mới nhất của ngành cao su trọng việc chăm sóc và khai thác cao su như áp dụng kỹ thuật khai thác tiên tiến có máng che mưa, sử dụng thuốc kính thích mủ… để làm ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao năng lực triển khai và quản lý dự án của NHNo cũng như của cá bộ, ngành có liên quan.
8. Nội dung các hợp phần dự án: Dự án có 3 phần:
Hợp phần A: Hỗ trợ tín dụng cho chăm sóc cao su tiểu điền
Tổng mức vốn dự kiến là 22.04 triệu EUR trong đó 11.56 triệu EUR vốn vay; 8.46 triệu EUR do người dân đóng góp; 2.03 triệu EUR vốn đối ứng của NHNo. Đối với vấn đề lãi suất: Báo cáo đầu tư đã đề xuất mức lãi suất cho vay lại bằng VNĐ áp dụng cho dự án Phát triển cao su tiểu điền là lãi suất thị trường với mức trần tham chiếu khoảng 15%/năm nhưng phải đảm bảo được mức chênh lệch giữa lãi suất vay lại của Bộ Tài chính và lãi suất cho vay ra của NHNo tối thiểu là 5.5%/năm.
Hợp phần B: Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật cao su tiểu điền
Tổng Chi phí của hợp phần này là 2.58 triệu EUR trong đó vốn vay AFD là 2.30 triệu EUR, viện trợ không hoàn lại là 0.27 triệu EUR và vốn đối ứng của Chính phủ đóng góp 0.02 triệu EUR.
Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cao su sẽ tiếp tục theo mô hình được thực hiện có hiệu quả của dự án ADP. Dự án cũng sẽ cung cấp các dịch vụ khuyến nông kỹ thuật cho người thụ hưởng dự án thông qua ký hợp đồng với các chuyên gia để các chuyên gia này hoạt động với tư cách là các cán bộ khuyến nông, thực hiện đào tạo kỹ thuật chăm sóc, khai thác cao su đặc biệt là về kỹ thuật cạo mủ cao su cho các hộ tham gia dự án; đồng thời sẽ tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ NHNo về nâng cao kỹ năng thẩm định, giải ngân và quản lý dự án.
Dự án cũng sẽ trợ giúp hoạt động giám sát và đánh giá tác động của Dự án trong suốt thời gian thực hiện.
Hợp phần C: Quản lý dự án
Hợp phần C do các Ban thực hiện hợp phần A và B cùng phối hợp triển khai dưới sự điều hành và theo dõi, giám sát của Giám đốc dự án. Hợp phần này bao gồm các chi phí hoạt động cho cán bộ từ Ban chỉ đạo dự án, Ban thực hiện các hợp phần và điều phối viên kỹ thuật tỉnh, gồm có: tổ chức hội thảo, tập huấn, mua sắm trang thiết bị văn phòng, chi lương, phụ cấp, thuê văn phòng, các khoản thuế phải nộp nếu có, các chi phí phát sinh… để giám sát việc thực hiện dự án và lập báo cáo theo yêu cầu. Ngoài ra, dự án cũng sẽ chi phí cho thuê chuyên gia tư vấn xây dựng các loại báo cáo (báo cáo tiến độ thực hiện dự án, báo cáo đánh giá giữa kỳ và kết thúc dự án…), xây dựng phần mềm chương trình quản lý, thuê kiểm toán dự án (hàng năm, 5 năm).
Chi phí cho hợp phần này khoản 0.64 triểu EUR trong đó vốn vay 0.32 triệu EUR, viện trợ không hoàn lại là 0.25 triệu EUR và vốn đối ứng của chính phủ khoảng 0.07 triệu EUR.