1. Các mục tiêu phát triển của dự án
1.1 Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu tổng quát của dự án là tăng trưởng bền vững ngành sản xuất rau, quả và chè trong khu vực nông nghiệp, góp phần: (i) tăng thu nhập và việc làm trong ngành nông nghiệp; (ii) nâng cao sức khoẻ và năng suất lao động do giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; và (iii) phát triển ngành khí sinh học phục vụ người dân.
1.2 Mục tiêu cụ thể
- Tăng cường thể chế quản lý Nhà nước về các hệ thống an toàn và chất lượng sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu trong nước và xuất khẩu;
- Tăng cường sản xuất các sản phẩm rau, quả và chè chất lượng an toàn tại các tỉnh thuộc dự án cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cung cấp nguồn năng lượng tái tạo sạch do các công trình khí sinh học quy mô hộ gia đình, góp phần cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân.
2. Các kết quả đầu ra chủ yếu
Những đầu ra chủ yếu của dự án sẽ là:
- Thể chế và quy chế về chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp đựợc xây dựng và áp dụng từ Trung ương đến địa phương;
- Các công nghệ sản xuất mới để nông dân, doanh nghiệp làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả chi phí và đảm bảo vệ sinh; Quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sử dụng các phương pháp thực hành chất lượng an toàn với cơ sở và trang thiết bị thích hợp được thiết lập và chứng nhận tại các tỉnh;
- Mô hình cơ sở hạ tầng vùng sản xuất an toàn và thị trường an toàn được hình thành nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn trong chuỗi sản xuất thực phẩm rau, quả, chè, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước;
- Các cơ sở hạ tầng yếu kém trong chuỗi giá trị an toàn sản phẩm nông nghiệp được khắc phục; và
- Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển khí sinh học trong vùng chăn nuôi an toàn được xây dựng.
3. Các hợp phần của dự án
3.1. Hợp phần 1: Phát triển khung quy chế và thiết lập hệ thống an toàn chất lượng sản phẩm nông nghiệp hoạt động hiệu quả
Mục tiêu của hợp phần này là cải thiện khuôn khổ thể chế, quản lý và quy chế để đảm bảo việc sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hợp phần gồm 3 tiểu hợp phần.
- Tiểu hợp phần 1.1. Cải thiện khung thể chế và phối hợp quản lý Nhà nước về an toàn chất lượng.
- Tiểu hợp phần 1.2. Tăng cường năng lực của cơ quan Nhà nước và tổ chức chứng nhận an toàn chất lượng.
- Tiểu hợp phần 1.3. Kiện toàn hệ thống quản lý an toàn thực phẩm cây trồng.
3.2. Hợp phần 2. Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng
Mục tiêu của hợp phần nhằm góp phần đảm bảo an toàn sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả mạng lưới tiêu thụ bằng cách giảm tổn thất sau thu hoạch do điều kiện yếu kém hoặc thiếu hụt về cơ sở hạ tầng công gây ra. Năng lực quản lý Nhà nước cấp tỉnh cũng sẽ được cải thiện trong công tác an toàn thực phẩm ở các tỉnh thành, doanh nghiệp và các hộ gia đình. Hợp phần này có 6 tiểu hợp phần.
- Tiểu hợp phần 2.1. Quy hoạch vùng nông nghiệp an toàn.
- Tiểu hợp phần 2.2. Phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tại vùng nông nghiệp an toàn.
- Tiểu hợp phần 2.3. Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp và tăng cường năng lực giám sát và đánh giá cấp tỉnh.
- Tiểu hợp phần 2.4. Tập huấn cho nông dân, đơn vị chế biến chính và kinh doanh các kiến thức về GAP, HACCP và các quy tắc sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn khác.
- Tiểu hợp phần 2.5. Thay thế các giống dễ nhiễm bệnh bằng các loại chịu được sâu bệnh để cải thiện chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp
- Tiểu hợp phần 2.6. Hỗ trợ các tỉnh tiến hành dự án.
3.3. Hợp phần 3. Giảm nguy cơ từ chất thải chăn nuôi (phát triển khí sinh học)
Hợp phần này nhằm giảm mức độ nguy hại của chất thải chăn nuôi ở các khu vực nông nghiệp, từ đó giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (nước, đất và không khí) và tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực dự án. Ngoài vấn đề cải thiện môi trường, điều này cũng tạo ảnh hưởng tốt đến sức khỏe cộng đồng vì giúp làm giảm ô nhiễm sản phẩm nông nghiệp thông qua xử lý chất thải chăn nuôi. Bên cạnh đó, phát triển chương trình khí sinh học cũng giúp cải thiện sinh kế và tiết kiệm năng lượng hộ gia đình nhờ sản xuất được nguồn năng lượng sạch thay thế để đun nấu và tạo ra phụ phẩm sinh học phục vụ sản xuất. Hợp phần có 3 tiểu hợp phần.
- Tiểu hợp phần 3.1. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển khí sinh học.
- Tiểu hợp phần 3.2. Dịch vụ nghiên cứu và phát triển
- Tiểu hợp phần 3.3. Cho vay tín dụng phát triển khí sinh học.
3.4. Hợp phần 4. Quản lý Dự án
Dự án sẽ được thực hiện trong 6 năm từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 6 năm 2015. Dự kiến lịch trình thực hiện dự án như sau:
- Thời gian đàm phán Hiệp định: 17-19/12/2008.
- Thời gian ký kết Hiệp định: 30/06/2009.
- Thời gian dự án có hiệu lực: 26/08/2009.
- Thời gian dự án kết thúc: 30/6/2015.
- Thời gian đóng khoản vay: 31/12/2015.
Dự án được triển khai thực hiện tại 16 tỉnh thành là: Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Vốn đầu tư của dự án dự tính là khoảng 110,4 triệu USD, bao gồm: vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): 95 triệu USD; vốn đối ứng của Chính phủ: 12,694 triệu USD; vốn đối ứng của định chế tài chính: 1,350 triệu USD; và vốn đóng góp của người hưởng lợi: 1,350 triệu USD.
7. Tổ chức quản lý dự án
Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản chung của toàn dự án. UBND 16 tỉnh/thành phố tham gia dự án là cơ quan chủ quản các tiểu dự án đầu tư tại địa phương mình. Bộ NN&PTNT giao cho Ban quản lý các dự án nông nghiệp là chủ dự án. Cục trồng trọt là chủ đầu tư hợp phần phát triển thể chế, Cục Chăn nuôi là chủ đầu tư hợp phần phát triển chương trình khí sinh học. Sở Nông nghiệp và PTNT là chủ đầu tư dự án do tỉnh/thành phố thực hiện.
Ban quản lý dự án Trung ương (CPMU) trực thuộc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp chịu trách nhiệm điều phối chung việc thực hiện, quản lý toàn dự án. Ban quản lý hợp phần Phát triển thể chế (IPMU) thuộc Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm thực hiện hợp phần 1 và Ban quản lý hợp phần khí sinh học (BPMU) thuộc Cục Chăn nuôi chịu trách nhiệm thực hiện hợp phần phát triển khí sinh học. Ban quản lý dự án các tỉnh (PPMU) chịu trách nhiệm quản lý và giám sát các hoạt động dự án tại địa phương mình.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (VBARD) và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương (nay là Ngân hàng hợp tác - Co-opbank) cung cấp các khoản vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đến các hộ xây dựng hầm khí sinh học.
Tháng 11 năm 2013, tại đợt đánh giá dự án giữa kỳ của ADB, các bên liên quan đã tiến hành rà soát các kết quả thực hiện dự án cũng như khả năng hoàn thành các mục tiêu đầu ra, qua đó xác định một số chỉ tiêu ban đầu đặt ra còn thiếu cụ thể, không phù hợp với khả năng triển khai thực tế và nguồn kinh phí được bố trí của dự án. Qua đó các bên liên quan đã đi đến thống nhất điều chỉnh một số chỉ số thực hiện dự án, cụ thể là:
- Hợp phần 1. Điều chỉnh chỉ tiêu từ 20 xuống còn 5 tiêu chuẩn GAP mới được ban hành.
- Hợp phần 2: Điều chỉnh chỉ tiêu có ít nhất 25% diện tích thành có ít nhất 2.500 ha vùng quy hoạch SAZ có đường kết nối chợ, có hệ thống điện, nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, đóng gói/sơ chế sản phẩm an toàn và có hạ tầng thị trường phù hợp; điều chỉnh chỉ tiêu có 20 thành có 12 bộ giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh; điều chỉnh chỉ tiêu có 35% diện tích thành có 14.000 ha diện tích chè, quả được hỗ trợ thay thế với giống có khả năng chống chịu sâu bệnh.
- Hợp phần 3: Bỏ ba chỉ số về: (1) lồng ghép chăn nuôi vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, (2) nghiên cứu áp dụng mô hình công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn, và (3) thí điểm xây dựng 10 công trình khí học quy mô vừa và lớn. Điều chỉnh chỉ tiêu hỗ trợ tài chính và tập huấn về xây dựng, vận hành công trình khí sinh học cho 40.000 hộ dân thành cho 20.000 hộ dân. Điều chỉnh chỉ tiêu có 40.000 hộ nông dân thành 12.000 hộ được vay vốn tín dụng xây dựng công trình khí học.