Thức ăn chăn nuôi: Kiểm tra là ra vi phạm
17/12/2014
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh đã lấy 100 mẫu TĂCN kiểm tra chất lượng và chất cấm, đã phát hiện 14 mẫu không đạt chất lượng và 2 mẫu thức ăn của Công ty TNHH Liên kết đầu tư Livabin nhiễm chất cấm Salbutamol và Clenbuterol. Khi các ngành đến kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất còn chống đối không hợp tác. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thì cho rằng, việc quản lý chất lượng TĂCN còn gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở TĂCN lớn, nhưng lại nằm xen kẽ với khu dân cư, địa điểm sản xuất thay đổi thường xuyên và luôn biến động gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý. Một số cơ sở sản xuất TĂCN có văn phòng tại Hà Nội nhưng lại thuê gia công ở các tỉnh khác. Do nhận thức về pháp luật của một số đơn vị sản xuất TĂCN và hộ chăn nuôi còn hạn chế, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật kiểm soát chất cấm chưa thường xuyên, nên vẫn còn có tình trạng sử dụng chất cấm trong TĂCN. Thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu dài nên càng gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc xử lý, thu hồi đối với hàng hóa vi phạm về chất lượng.
Việc kiểm soát chất lượng và an toàn TĂCN, nhất là chất cấm và tồn dư chất kháng sinh, là vấn đề phức tạp cần phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phát huy tối đa vai trò của người dân trong việc tố giác, tẩy chay hành vi vi phạm về chất cấm, kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của chất cấm và tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi; tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng TĂCN phải tiến hành đồng bộ ở các khâu từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng; tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất TĂCN về tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm sản xuất bởi mức phạt theo Nghị định 119/2013-NĐ-CP như hiện nay thấp, không mang tính răn đe. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng chấp nhận nộp phạt hành chính từ 20 triệu đến 50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng bởi lợi nhuận thu được quá lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ đúng thời gian ngưng sử dụng thức ăn có trộn kháng sinh theo quy định nhằm hạn chế hàm lượng kháng sinh tồn dư trong thực phẩm theo quy định của ngành y tế; hình sự hóa việc xử lý những đối tượng cố tình vi phạm và xã hội hóa công tác giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm, trong đó có việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội, người dân và chính quyền cơ sở nhằm sớm phát hiện các trường hợp vi phạm chất cấm trong TĂCN. Đồng thời công khai các cơ sở sản xuất TĂCN kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không sử dụng…
Từ đầu năm 2014 đến nay, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị lấy 329 mẫu TĂCN ở 462 cơ sở sản xuất thuộc 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh để kiểm tra, đã phát hiện 38 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 11,6%). Cục cũng đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh TĂCN vẫn sử dụng chất cấm, nhất là thời điểm giá lợn tăng cao. Đơn vị đã lấy 1.151 mẫu TĂCN để kiểm tra thì phát hiện 25 mẫu nhiễm chất cấm, trong đó Đồng Nai 18/441 mẫu chiếm 4,4%, Hưng Yên 6/68 mẫu (chiếm 8,8%), Thanh Hóa 1/12 mẫu (chiếm 8,3%).