Nhân kỷ niệm lần thứ 35 Ngày Lương thực thế giới 16/10/2015 và 70 năm thành lập FAO của UN, xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Giám đốc FAO, Ông José Graziano da Silva:
Ngày Lương thực Thế giới 16/10 tới đây, thế giới có rất nhiều điều để vui mừng và FAO cũng thực sự vui mừng với những tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu những thập kỷ gần đây. Phần lớn các quốc gia tham gia với Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc - 72 trên tổng số 129 quốc gia - đã đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là giảm một nửa tỷ lệ suy dinh dưỡng trong dân số vào năm 2015. Đã giảm đáng kể số dân sống trong nghèo đói cùng cực ở các quốc gia đang phát triển từ 43% năm 1990 xuống còn 17% trong năm nay.
Nhưng sự tiến bộ là không đồng đều. Trên thế giới, khoảng 800 triệu người vẫn đang bị đói kinh niên và gần một tỷ người vẫn bị mắc kẹt trong nghèo đói cùng cực.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn trong giảm đói nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp, nhưng kết quả vẫn là không đủ vì nó chưa toàn diện.
Biết trước được thực tế này, nhiều quốc gia đang phát triển đã sớm thiết lập các biện pháp bảo trợ xã hội - cung cấp cho người dân các hỗ trợ tài chính hoặc bằng hiện vật thường xuyên, hoặc tiếp cận các chương trình tự lực - vì các quốc gia này hiểu rằng đây là các hành động cần thiết để giải quyết tình trạng đói nghèo.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các chương trình bảo trợ xã hội đã thành công trong việc giảm đói nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các chương trình này đã giúp khoảng 150 triệu người thoát khỏi đói nghèo cùng cực. Các chương trình bảo trợ xã hội không chỉ hỗ trợ sự thiếu hụt trong thu nhập để duy trì cuộc sống mà còn có thể giúp họ nhanh chóng có khả năng tự lực.
Hầu hết nghèo đói trên thế giới rơi vào các gia đình nông thôn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp cho bữa ăn và sinh kế hàng ngày. Những gia đình nông dân và lao động nông thôn này, nói một cách dễ hiểu, là chỉ tập trung vào làm sao để tồn tại trong thời gian trước mắt. Họ chấp nhận rủi ro thấp và các phương pháp mang đến lợi nhuận thấp để tạo thu nhập, thiếu đầu tư trong giáo dục và sức khỏe cho con em, và thường buộc phải áp dụng chiến lược đối phó tiêu cực như bán tháo tài sản ít ỏi, bắt trẻ em của họ làm việc, hoặc giảm lượng thực phẩm để cắt giảm chi tiêu. Họ bị kẹt trong cuộc chiến để tồn tại. Nghèo đói cứ thể diễn ra từ thế hệ này sang thế hệ khác - và dường như không thể tránh được.
Mọi việc không nhất thiết phải diễn ra như vậy.
Hôm nay, chúng ta biết rằng ngay cả những khoản tương đối nhỏ chuyển cho các hộ gia đình nghèo, thường xuyên và có thể dự đoán được, có thể được dùng như bảo hiểm rủi ro mà có xu hướng để ngăn chặn họ theo đuổi các hoạt động đạt lợi nhuận cao hơn hoặc dẫn họ vượt qua các chiến lược đối phó rủi ro tiêu cực. Bảo trợ xã hội cho phép các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương có thêm thời gian, mang đến cho họ hy vọng và khả năng để lập kế hoạch cho tương lai.
Thực tế cho thấy rằng bảo trợ xã hội làm tăng các hoạt động cả về nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập. Bảo trợ xã hội cũng thúc đẩy đầu tư vào giáo dục và sức khỏe cho trẻ em, cũng như làm giảm lao động trẻ em. Bảo trợ xã hội theo hình thức tiền mặt làm tăng sức mua của người nghèo, những người có nhu cầu hàng hóa và dịch vụ được sản xuất chủ yếu trong nền kinh tế địa phương, dẫn đến một vòng tuần hoàn thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Các chương trình bảo trợ xã hội cũng cung cấp một phương pháp cho cộng đồng gia tăng cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng – ví dụ như các hệ thống thủy lợi được xây dựng thông qua các hoạt động đổi-công-lấy-tiền.
Với hầu hết các hộ đói nghèo vẫn sống ở nông thôn và vẫn còn phụ thuộc vào nông nghiệp, việc kết hợp chặt chẽ bảo trợ xã hội với các chương trình phát triển nông nghiệp hoàn toàn có ý nghĩa thuyết phục. Đây là lý do tại sao FAO đã chọn bảo trợ xã hội và nông nghiệp là chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới năm nay.
Nhưng biết phải làm gì và thực sự làm lại là hai việc khác hẳn nhau. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn lâu đời ở nông thôn nghèo một lần và mãi mãi, thế giới cần phải hành động với nhiều các hành động cấp thiết và dứt khoát hơn.
Cam kết chính trị, kinh phí thỏa đáng, quan hệ đối tác, và các hoạt động bổ sung trong y tế và giáo dục sẽ là yếu tố quan trọng trong việc biến mong muốn này thành hiện thực. Chính sách và khung kế hoạch cho phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và dinh dưỡng cần phải phát huy vai trò chung của ngành nông nghiệp và bảo trợ xã hội trong chiến đấu chống đói nghèo, cùng với các can thiệp rộng hơn, đặc biệt là về y tế và giáo dục.
Cùng hợp sức, sử dụng các kiến thức và phương thức hợp lý trong hoàn cảnh tài chính cho phép, chúng ta có thể loại bỏ nạn đói kinh niên hoàn toàn vào năm 2030. Đó cũng chính là lý do cho lễ kỷ niệm này.