Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, các tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Tiến là một trong những nông dân của Đà Lạt tham gia dự án "Cạnh tranh nông nghiệp" của Ngân hàng Thế giới. Với tổng số vốn là 75 triệu USD, dự án này được triển khai từ 2009 đến 2013 với phạm vi hoạt động tại 8 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Dự án có mục tiêu hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng thị trường, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ. Nhờ tham gia dự án, thu nhập của nông dân trong liên minh cao gấp 3 lần thu nhập của nông dân ngoài liên minh trong vùng.
Kể từ sau khi chính thức nối lại quan hệ tín dụng với Việt Nam vào năm 1994, Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, WB đang gấp rút chuẩn bị dự án Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững để có thể triển khai vào đầu năm 2015 với số vốn 275 triệu USD.
Ông Chris Jackson, Chuyên gia kinh tế trưởng - Điều phối viên lĩnh vực Nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững của Ngân hàng Thế giới có 3 hợp phần chính: Hợp phần thứ nhất liên quan đến tái canh cây cà phê, hợp phần thứ hai liên quan đến nâng cao tính cạnh tranh ngành lúa gạo, hợp phần thứ ba liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để giúp Chính phủ cải cách chính sách và thể chế để có thể đáp ứng được những thay đổi mạnh mẽ về nông nghiệp trên thị trường quốc tế”.
Mới đây, Đại sứ quán Canada và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã chính thức ký thỏa thuận tài trợ Dự án hỗ trợ kỹ thuật và chính sách để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam với mức tài trợ là 500.000 CAD.
Canada được biết đến là một trong các nước cung cấp sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò và lúa mì. GDP nông nghiệp chiếm 2,1%, nhiều dự án cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm theo mô hình Canada đã được triển khai tại nhiều địa phương. Nhiều chuyến tham quan khảo sát thực tế cũng đã được tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Canada. Các chuyên gia Canada cũng được gửi sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm.
Ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những hỗ trợ liên quan đến HTX nông nghiệp. Chúng tôi dự kiến sẽ triển khai 1 dự án mới nhằm cải thiện an toàn và chất lượng nông sản để giúp sản phẩm Việt Nam cạnh tranh hơn trên trường quốc tế”.
Từ 20 năm qua, các dự án nông nghiệp luôn là một trong số những ưu tiên hoạt động của Sứ quán Canada tại Việt Nam. Hỗ trợ của Chính phủ Canada đối với Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu tập trung vào cải thiện thể chế công từ cấp Trung ương tới địa phương và tăng cường khả năng cạnh tranh nông nghiệp.