Muốn tồn tại, phải liên kết
Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển chăn nuôi heo và gia cầm theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm” ngày 23/9 tại Đồng Nai, TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đơn vị chủ trì hội thảo, cho biết, tái cơ cấu ngành chăn nuôi đang được Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.
Thực hiện chủ trương trên, Cục Chăn nuôi đã xây dựng đề án và được Bộ trưởng Cao Đức Phát phê duyệt (tại QĐ số 984).
Trong đó, giải pháp đang được xem như bước đột phá là xây dựng và tổ chức theo từng chuỗi giá trị, có sự tư vấn, giám sát từ khâu đầu vào sản xuất, giết mổ, tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và quảng bá, phân phối sản phẩm.
Minh chứng rõ nhất là tại TP.HCM, sau 4 năm đi trước một bước triển khai thực hiện Đề án chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đã tổ chức khảo sát và thẩm định các cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi với sản lượng 335 con/ngày (2 DN tham gia chuỗi là Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Vissan).
Ngoài ra, TP.HCM đã hình thành HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (có 8/14 trang trại thành viên HTX được chứng nhận VietGAP); xây dựng 2 vùng GAP và được Tổ chức độc lập Vietcert chứng nhận cho 646 mô hình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn GAP; nâng cấp 22 chợ thực phẩm tươi sống và hỗ trợ thiết bị cho 9 lò mổ trong thực hiện dự án Lifsap.
Tương tự tại Đồng Nai đã hình thành được nhiều chuỗi sản phẩm về thịt gà, heo, trứng khép kín từ giống, TĂCN, thu mua sản phẩm, như: Công ty C.P Việt Nam, Công ty TNHH MTV Bình Minh, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, Công ty CP Chăn nuôi Phú Sơn; Công ty CP Japfa Comfeed VN, Công ty TNHH Emivest VN…
Theo ông Hồ Mộng Hải - Cục Chăn nuôi, hiện đang có 2 hình thức liên kết đặc trưng trong chăn nuôi là liên kết theo đường đi của sản phẩm, từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh (liên kết ngang).
Về liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất đai của họ.
Điển hình triển khai mô hình này là Công ty C.P Việt Nam, Công CP tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Thái Dương, Công ty Emivest, Công ty Japfa, Công ty TNHH MTV Bình Minh…
Về liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh (các HTX và tổ hợp tác…) liên kết nhằm giúp đỡ nhau, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình xã viên phát triển (điển hình như HTX chăn nuôi Nam Hưng – Hải Dương; HTX Cổ Đông – Hà Nội; HTX Gò Công – Tiền Giang…).
Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất bao gồm cả đầu vào, đầu ra cho các hộ xã viên (vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi), đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa bà con xã viên với các DN giết mổ, chế biến, XK.
Còn rất nhiều khó khăn
Theo Cục Chăn nuôi, việc hình thành chuỗi giá trị VSATTP đến nay vẫn chậm và không nhiều, bởi còn vô vàn vấn đề tồn tại, chưa được tháo gỡ. Hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm.
Việc hình thành chuỗi giá trị VSATTP đến nay vẫn chậm và không nhiều
Các chế tài ràng buộc còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình. Quy mô chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, ý thức hợp tác chia sẻ lợi ích, hay rủi ro chưa cao. Giết mổ thủ công, chưa đảm bảo VSATTP vẫn chiếm ưu thế khiến chất lượng sản phẩm trở nên đáng lo ngại.
Đặc biệt, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không xuất xứ tràn lan trên thị trường.
Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán sản phẩm lên cao, trong khi việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường XK.
Đại diện cho nông dân chăn nuôi, ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ còn nêu hàng loạt khó khăn khi ngành chăn nuôi phải đối mặt với “cơn lốc” thịt ngoại, giá rẻ từ nước ngoài đổ vào VN.
“Chúng tôi hầu hết đang tham gia chuỗi giá trị chăn nuôi và thấy rất rõ lợi ích, hiệu quả của nó. Nhưng khi đang phát triển tốt, bỗng dưng bị thịt ngoại bán phá giá đổ về gần như “đập nát” các chuỗi liên kết này.
Chúng tôi được biết năm 2014 nước Mỹ có 14 bang bị dịch cúm gia cầm, nhiều nước ngưng nhập, trả về. Các loại thịt heo, gà dồn ứ đó đã tìm cách đổ về VN với giá chỉ 12.000 đồng/kg.
Mọi người hiểu rằng VN ra sân chơi quốc tế rồi, không thể tùy tiện cấm nhập thịt được, nhưng cũng phải cương quyết ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bán phá giá, đưa hàng cận “đát” về VN mới mong phát triển chuỗi giá trị trong chăn nuôi được”, ông Quyết nói.
Đại diện cho phía DN, bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP.HCM) cho rằng, việc gần đây nhiều hộ chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất cấm đã ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người tiêu dùng và cản trở quá trình mở rộng xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi.
“Trong một chuỗi liên kết, các bên tham gia đều phải có ý thức làm tốt vai trò của mình, nông dân phải thực hiện chăn nuôi an toàn, kiên quyết không bao giờ có ý nghĩ sử dụng chất cấm để tăng lợi nhuận cho mình. Nếu niềm tin bị mất, đồng nghĩa với việc chuỗi liên kết sẽ không bao giờ phát triển bền vững”, theo bà Hà.
Chính phủ đang làm hết sức để xử lý các khó khăn cho người chăn nuôi. Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn sang Mỹ để khảo sát, thảo luận với họ về vấn đề nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm. Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp với Bộ Công an thực hiện các chuyên án rất lớn để đấu tranh với gian lận thương mại, sắp tới sẽ có kết quả nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường.
“Theo tôi, trong bối cảnh khó khăn này, người chăn nuôi càng phải liên kết với nhau hình thành các chuỗi giá trị VSATTP, đủ sức cạnh tranh khi VN hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu. Nếu chúng ta gặp “bão” mà mỗi người mỗi hướng thì ngành chăn nuôi sẽ không thể phát triển như mong muốn được”, ông Phan Huy Thông nói.
Doanh nghiệp là chủ thể chính
Theo ông Hồ Mộng Hải, các địa phương cần xác định rõ chủ thể chính để xây dựng và phát triển các liên kết chuỗi sản xuất chăn nuôi chính là các DN. DN sẽ đóng vai trò quan trọng, là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT và đảm bảo thị trường tiêu thụ.
Để phát triển chuỗi, các DN lớn dìu dắt các DN nhỏ, cũng như liên kết nhau theo một chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Ngoài ra, cần hợp tác liên kết, bắt tay với các DN nước ngoài không phân biệt khu vực, vùng miền nhằm đoàn kết hợp tác với nhau trong quá trình xây dựng chuỗi chăn nuôi VSATTP.
|