Thưa Bộ trưởng Cao Đức Phát, những năm qua ngành Nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển mình rất mạnh mẽ, vậy ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà ngành đạt được là gì?
Từ sau cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ta đã lãnh đạo cải cách ruộng đất và có nhiều chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhờ vậy nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ và có thể nói là vượt bậc, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Những thành tựu nổi bật nước ta đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Chúng ta đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, từ một đất nước thiếu lương thực, ngày nay chúng ta là một trong những nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn ở trên thế giới. Nông nghiệp phát triển đã đem lại thu nhập ngày càng tăng cho bà con nông dân tạo điều kiện cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay từ những vùng nghèo nàn, lạc hậu ngày nay đa số các vùng nông thôn đã có phong cảnh đổi mới cả về cơ sở vật chất kỹ thuật nhà cửa nói chung đời sống của nông dân đã được cải thiện rất nhiều.
Có thể nói thành tựu của Ngành đạt được là rất lớn, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành có gặp phải khó khăn gì không?
Trong 5 năm vừa qua, những kết quả quan trọng nhất mà ngành Nông nghiệp và PTNT đạt được, đó là đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm, đây là mức cao so với bình quân trên thế giới; Thứ hai xuất khẩu nông sản đã tăng mạnh, năm 2014 đạt tới gần 31 tỷ USD; Thứ ba là đã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngày nay nó đã trở thành một phong trào lan rộng ở các địa phương trong cả nước, tạo ra sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống ở các khu vực nông thôn. Và tiếp tục những nỗ lực đó, toàn ngành nông nghiệp và PTNT đang ra sức phấn đấu để thực hiện, hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp cũng đang phải đối phó với nhiều thử thách, trong đó thách thức lớn nhất đó là cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, vấn đề tiêu thụ nông sản luôn đặt ra rất là bức xúc; thứ hai, trong điều kiện các ngành kinh tế đều phát triển, việc tạo việc làm, rồi đảm bảo thu nhập của nông dân; tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng là nhiệm vụ rất là to lớn đặt ra với toàn ngành.
Bộ trưởng cho biết về đề án tái cơ cấu của Ngành, đề án này có điểm gì đặc biệt?
Cũng như tôi đã nói, trên thực tế thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là thực hiện một giai đoạn mới của quá trình đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nó yêu cầu phải điều chỉnh những yếu tố rất là căn bản của nền nông nghiệp để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.
Như ông vừa nói, để làm được điều đó đề án tái cơ cấu không thể làm một sớm một chiều mà nó phải thực hiện cả quá trình dài với nguồn lực đầu tư rất lớn, vậy trước mắt ngành sẽ tập trung vào những nút thắt nào để mình tháo gỡ được những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay?
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó những giải pháp quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Bộ trưởng Cao Đức Phát giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với ngài Hayashi Yoshimasa, Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản
Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn việc mình tổ chức lại sản xuất sẽ được thực hiện như thế nào?
Trong nhiều năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách để hỗ trợ các hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế của kinh tế hộ. Mặt khác nữa, việc phát triển sản xuất và kinh doanh thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ cho thấy nó kém hiệu quả và kém bền vững. Vì thế, trong giai đoạn phát triển mới, yêu cầu phải có sự liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ để hình thành các chuỗi giá trị và các đối tác trong chuỗi đó bao gồm hộ gia đình nông dân, đại diện của nông dân là các tổ hợp tác, các HTX và các doanh nghiệp.
Việc tổ chức lại sản xuất như ông nói là một yếu tố tất yếu để chúng ta duy trì sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, hiệu quả. Nhưng với tình hình cụ thể ở Việt Nam, ở phía Bắc đặc thù riêng, phía Nam đặc thù riêng, vậy trong việc sắp xếp, quy hoạch của ngành có sự phân vùng không để tạo ra vùng này sản xuất để xuất khẩu hay vùng này sản xuất để tiêu thụ ở trong nước hoặc chọn những mũi nhọn, những điểm đột phá để cho ngành tạo sức bật?
Rõ ràng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để cạnh tranh có hiệu quả thành công, nước ta cần tập trung vào phát triển những hàng nông sản mà là lợi thế của các vùng và đất nước nói chung, những mặt hàng đó có thể nêu ra như: lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu và thủy sản.
Sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, thành tựu mà ngành đạt được có nhiều, nhưng khó khăn mà ngành đang gặp phải là gì?
Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đó là như việc thay đổi cách tiếp cận, cái nhận thức trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cách tiếp cận, tập quán sản xuất từ bấy lâu nay của bà con nông dân. Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế yêu cầu chúng ta phải định hướng ngay từ đầu phát triển sản xuất là làm hàng hóa và phải làm hàng hóa đủ sức để cạnh tranh quốc tế, ngay cả trong trường hợp mà sản xuất để tiêu dùng trong nước. Mặt khác nữa, thay vì chạy theo số lượng, chúng ta phải hướng mạnh vào làm ra các loại hàng hóa có chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, thay vì khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì áp dụng các phương thức phát triển một cách bền vững.
Với những khó khăn mà ngành gặp phải trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu cũng như rút kinh nghiệm quá trình 2 năm mình đã triển khai thì trong thời gian tới giải pháp ngành đưa ra là gì để đề án tái cơ cấu thực sự đi vào cuộc sống và thực sự tạo ra điểm nhấn cho nông nghiệp Việt Nam?
Giải pháp quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền, phổ biến tới tất cả các cơ quan cũng như tới bà con nông dân về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để cán bộ cũng như bà con nông dân chia sẻ và tích cực tham gia thực hiện. Trong nông nghiệp, mọi chủ trương chỉ có thể thành công khi được bà con nông dân hưởng ứng và chủ động tham gia thực hiện.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và đoàn công tác của Nhật Bản thăm mô hình SX nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng
Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp mới giúp nông dân thoát được tình trạng được mùa mất giá, ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Và trong giải pháp của đề án tái cơ cấu, vấn đề này được quan tâm như thế nào?
Việc tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những khâu quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để liên kết thành công, trước hết phải có các đối tác mạnh bao gồm không chỉ các hộ gia đình nông dân mà phải có nhiều hơn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời phải hình thành các tổ hợp tác, các HTX để làm đầu mấu kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.
Ông vừa nhắc tới vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta còn rất khiêm tốn. Vậy qua quá trình triển khai thực tế, đâu là nguyên nhân căn bản của tình hình này?
Việc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít có nhiều nguyên nhân, nhưng mà nguyên nhân quan trọng đó là nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu bao gồm các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ. Vì thế, nên các doanh nghiệp kinh doanh cũng như chế biến nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất các loại nguyên liệu hàng hóa có độ đồng đều về chất lượng cũng như đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Mặt khác nữa, một số doanh nghiệp có yêu cầu về đất đai thì cũng gặp nhiều khó khăn để có được một diện tích đất đai cần thiết để tổ chức sản xuất.
Niềm vui của người nông dân
Với những khó khăn như vậy, ngành sẽ có giải pháp như thế nào để trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực?
Trước hết cần phải điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cũng như hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tổ chức nông dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng những vùng nguyên liệu để doanh nghiệp tổ chức chế biến cũng như là kinh doanh, tiêu thụ các loại nông sản đạt hiệu quả cao cũng như là kinh doanh, tiêu thụ các loại nông sản đạt hiệu quả cao.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!