Tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) diễn ra ngày 17-8 tại Hà Nội, bà Shirley Tarawali, Phó tổng giám đốc ILRI, cho biết ILRI sẽ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong chăn nuôi cũng như những giải pháp phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị đối với thịt, sữa, trứng, đảm bảo gắn kết được với thị trường, làm cơ sở cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Bà Shirley Tarawali cho hay, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi với dân số lớn và tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong nước lại đang đối mặt với sức ép cạnh tranh của thịt nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Vì vậy, thông qua hỗ trợ về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện nguồn gen và chẩn đoán bệnh trên vật nuôi, ILRI mong muốn sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, ILRI cùng với các đối tác Việt Nam sẽ nghiên cứu nguy cơ trong chuỗi giá trị chăn nuôi của Việt Nam để đánh giá xem đâu là điểm có nguy cơ cao nhất cho cộng đồng nói chung và cải thiện điểm nguy cơ, đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Biên bản ghi nhớ này đặc biệt chú trọng đến các mục tiêu như xây dựng hệ thống nông nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở phát triển lồng ghép giữa chăn nuôi và trồng trọt, phát triển các chuỗi giá trị, giảm thiểu các tác động tiêu cực và rủi ro vẫn tồn tại lâu nay trong hệ thống nông nghiệp Việt Nam.
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho hay, một trong những nhóm giải pháp chính được xác định để triển khai thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi là các giải pháp về khoa học công nghệ. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ với các tổ chức quốc tế luôn được chú trọng.
Thứ trưởng Tám cũng cho hay, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng, nhất là việc thực hiện những cam kết mở cửa thị trường sữa và sản phẩm vật nuôi.
“Điều này đòi hỏi công tác nghiên cứu cần có sự đổi mới cả quy trình công nghệ, cách tiếp cận và sự hợp tác chặt chẽ giữa các với các cơ quan trong nước và quốc tế,” Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Kể từ khi thiết lập mối quan hệ với Việt Nam năm 2007, ILRI đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số chương trình, dự án, hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần đẩy mạnh chăn nuôi Việt Nam. Các hoạt động này tập trung vào các nội dung chuỗi giá trị chăn nuôi heo, bảo tồn giống bản địa, an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, bệnh truyền nhiễm giữa động vật và người, sức khỏe môi trường, và chăn nuôi nông hộ.
Hiện những nghiên cứu mới của ILRI đang được mở rộng theo hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi, phát triển chăn nuôi gắn với biến đổi khí hậu cho các ngành hàng chính như heo và gia cầm. Đây cũng là những mục tiêu mà đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đang hướng tới.