Sau 2 năm triển khai “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cụ thể hóa xây dựng 6 tiểu đề án trong các lĩnh vực gồm: Trồng trọt, Chăn nuôi, Lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và chế biến lâm nông lâm thủy sản và muối. Tính đến hết tháng 7 năm nay, đã có 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố ban hành Đề án, Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo định hướng tái cơ cấu, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, đến nay Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu, trong đó có 17 quy hoạch trên cả nước và 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể.
Các đại biểu thống nhất nhận định, kết quả bước đầu về tái cơ cấu góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh toàn ngành và nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 30 tỷ 860 triệu đô la,tăng 11,2% so với năm 2013. Ước tính 6 tháng đầu năm nay mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai tái cơ cấu còn chưa đạt yêu cầu đặt ra nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, thực tiễn cho thấy thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn. Để thực hiện thành công chủ trương lớn này cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các doanh nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh:Để đẩy mạnh tái cơ cấu phải tăng cường tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức trong các cơ quan có trách nhiệm cũng như bà con nông dân để tất cả vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu đó là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân để góp phần thay đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp Hoàng Trung Hải nêu rõ: tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi các Bộ, ngành thành viên phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nắm bắt những cơ hội và ứng phó với thách thức trong tiến trình hội nhập hiện nay./.