Ngày 12/8/2015, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Khởi động dự án: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản”.
Mục tiêu tổng thể của dự án là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Luật An toàn thực phẩm. Dự kiến dự án thực hiện trong 3 năm (2014-2016) với tổng kinh phí là là 500.000 USD, trong đó: Vốn viện trợ không hoàn lại: 450.000 USD và vốn đối ứng của Chính phủ: 50.000 USD.
Ba mục tiêu cụ thể của dự án:
- Hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được rà soát, đánh giá nhằm đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất, tính thực tiễn, khả thi trong thực hiện;
- Phương thức kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản được xây dựng, kiểm chứng và áp dụng trên diện rộng;
- Năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở trung ương và địa phương và của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị được nâng cấp đủ để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật An toàn thực phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, ông JongHa Bae nhấn mạnh: Với hiện trạng kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam, việc hình thành và thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản” là rất quan trọng để hỗ trợ cho việc thực thi Luật An toàn thực phẩm. Để tăng cường hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm nông sản (bao gồm thủy sản) nhằm tăng niềm tin vào chuỗi cung ứng thực phẩm, khả năng tương thích và tuân thủ Luật An toàn thực phẩm thì vấn đề cấp bách cần phải làm là kiểm tra, đánh giá và sửa đổi các quy định về kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm theo nguyên tắc dựa trên mối nguy; thiết kế, thử nghiệm và vận hành hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn (từ sản xuất tới tiêu dùng) của một số sản phẩm nông sản cụ thể và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, sản xuất, người tiêu dùng và các tác nhân khác về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm mới với cách tiếp cận là chuỗi giá trị và lợi ích của hệ thống này.
Ông JongHa Bae khẳng định: Dự án “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản” do FAO và NAFIQAD phối hợp thực hiện để giải quyết các vấn đề nêu trên và đóng góp vào mục tiêu lớn hơn trong Khung chiến lược chấm dứt đói nghèo của FAO.
Ảnh: Ông JongHa Bae, trưởng đại diện FAO Việt Nam phát biểu tại hội thảo