Việc quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc khiến cho nền nông nghiệp của Việt Nam cứ lẩn quẩn trong vòng xoay được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giảm bớt những rủi ro do lệ thuộc.
Ông Hà Công Tuấn, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ ý kiến về tác động của TPP đối với nông nghiệp tại hội thảo sáng nay, 28-10. Ảnh: Thành Hoa
Những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi như Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhận định tại hội thảo về tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam được tổ chức hôm nay 28-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Tuấn, trong 8 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam tới 35% tổng giá trị các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu; trong đó cao su chiếm 48%, các mặt hàng rau quả chiếm tới 64%, gỗ 13,2%, điều 12,3%... Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tới 53,5% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp.
Việc Việt Nam trở thành thành viên của TPP sẽ mở ra những thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia…
Ông Tuấn cho biết khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ được giảm thuế về 0% hoặc còn mức thuế suất thấp. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại, nhưng họ không phải là thành viên TPP. Hiện nay, đồ gỗ của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản 16%...
Tuy nhiên, khi hội nhập TPP, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Theo ông Tuấn, nền nông nghiệp Việt Nam phổ biến là sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô.
Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp cả nước; trong đó hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 60%, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính nên dễ khiến xuất khẩu không bền vững, không chi phối được sản xuất và thị trường.
Việt Nam có khoảng 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ có diện tích canh tác dưới 1 ha; chỉ có 20% canh tác hơn 1 ha.
Cả nước có 10,36 triệu hộ trồng cây hàng năm, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,62 ha, còn 5,1 triệu hộ trồng cây lâu năm thì mỗi hộ chỉ canh tác trên diện tích bình quân 0,7 ha. Hơn 4 triệu hộ nuôi heo thì 77% nuôi dưới 5 con, có 7,9 triệu hộ nuôi gà thì 90% nuôi dưới 50 con. Việc sản xuất kinh doanh riêng lẻ làm cho sức mạnh kinh tế của hộ nông dân yếu, khả năng chịu đựng rủi ro thấp.
Ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng ban nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho rằng đến nay nước ta vẫn còn loay hoay với việc xây dựng một thương hiệu gạo quốc gia sẽ là một thiệt thòi cho nền nông nghiệp. Đến khi TPP có hiệu lực mà Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu gạo quốc gia theo tiêu chuẩn chung thì khả năng tận dụng các cơ hội từ TPP mang lại là rất ít.
Việt Nam là một quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất và cũng ở trong tình trạng kinh tế phát triển thấp nhất trong 12 quốc gia TPP, nhưng lại có ưu thế nổi trội trong sản xuất lúa gạo. Trong khi đó, do không mạnh về lúa gạo và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú và đa dạng của mình, các quốc gia đối tác trong TPP của Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu gạo, mở ra cho lúa gạo Việt Nam cơ hội xuất khẩu rất lớn
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, Việt Nam ít có khả năng tận dụng được những cơ hội đó. Do vậy, vấn đề đặt ra cấp bách là thay đổi hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối lúa gạo để phát triển bền vững nền nông nghiệp lúa nước theo kịp trình độ phát triển của thế giới, ông Bích nói.