“Nếu không sử dụng được nguồn vốn vay giá rẻ này một cách hiệu quả thì thật sự là rất đáng tiếc cho Việt Nam. WB sẽ cùng Việt Nam điền vào những khoảng còn trống trong danh sách các dự án trọng điểm cần ưu tiên cao nhất”, bà Kwakwa nói.
Trước khi nói về điều này, bà Kwakwa có nhắc lại không khí nóng bỏng tại QH Kỳ họp cuối năm rồi vì vấn đề nợ công sát trần và chia sẻ: “Tôi hiểu là QH Việt Nam phải lên tiếng báo động như vậy vì mong muốn Chính phủ cần đưa những giải pháp hữu hiệu để quản lý nợ công. Chúng ta phải hiểu lý do đằng sau nợ công tăng là gì để bắt đúng “bệnh”, đảm bảo an ninh an toàn cho nền tài chính quốc gia. Sử dụng hiệu quả ODA là một trong những giải pháp quan trọng giảm áp lực cho nợ công”.
“Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, ông cũng đã tính đến những giải pháp, chiến lược cho tình trạng thâm hụt ngân sách rồi”, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói với Trưởng ban Kinh tế TƯ, “ông sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc đối thoại quốc tế và có được tiếng nói rất quan trọng, không chỉ với WB”
“Chúng tôi tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, trong đó có ODA”, Trưởng ban Kinh tế TƯ đáp lời, “ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn phục hồi chậm, tiềm ẩn rủi ro, thu hút ODA ngày càng khó khăn, bởi vậy, việc nâng cao năng lực sử dụng các nguồn vốn đã cam kết là nhiệm vụ vô cùng quan trọng”.
Chia sẻ thêm, bà Kwakwa cho rằng nguồn vốn ODA sẽ ngày càng giảm, vì vậy, cùng với việc nỗ lực sử dụng một cách hiệu quả nhất, cần mở rộng mạnh mẽ việc thu hút các nguồn lực khác để phục vụ cho việc đầu tư phát triển. “Chúng tôi đang nghiên cứu một chiến lược về tổng thể ODA và sẽ hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa trong những vấn đề liên quan đến nguồn vốn này”, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trong năm 2014, một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia có sử dụng vốn ODA như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được hoàn thành; Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng được đưa vào khai thác sử dụng, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng trong tiến trình phát triển khu vực phía Bắc. Tại phía Nam, có thể kể đến các dự án lớn như Dự án cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Việt Nam được đánh giá cao trong hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA với những công trình hạ tầng được xây dựng nhanh, đảm bảo chất lượng tốt. Nguồn vốn ODA đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả phát triển ấn tượng, không chỉ về hạ tầng mà còn về đào tạo, nhân lực, xóa đói giảm nghèo. Các dự án của ADB tại Việt Nam đạt tỷ lệ thành công 82,1%, cao hơn tỷ lệ của một số nước như Ấn Độ (65,2%), Indonesia (63,2%), Philippines (45,5%)…
Tuy nhiên, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu vẫn còn chậm hơn so với tiến độ đã cam kết. Công tác quản lý, sử dụng vốn ODA năm 2014 cũng còn một số hạn chế, như thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ kéo dài; thời gian chuẩn bị chương trình, dự án ODA, bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước cụ thể về ODA thường mất khoảng 2 - 3 năm…đặc biệt, vấn đề tham nhũng trong nguồn vốn này, cần được xem xét và giải quyết một cách tốt hơn.
Theo thông tin đưa ra từ cuộc đối thoại, năm 2015, Ban Kinh tế TƯ đề xuất hợp tác với WB xoay quanh 7 nội dung lớn, bao gồm: Thể chế, chính sách đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế; Nghiên cứu, đề xuất chủ trương chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng; Chủ trương, định hướng và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển, ưu đãi; Chính sách công nghiệp quốc gia; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu chế tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; Chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; Thể chế chính sách phát triển lĩnh vực du lịch, và công nghiệp văn hóa; Biến đổi dân số Việt Nam, định hướng chính sách nhằm đảm bảo phát triển bền vững…
Trong đó, Trưởng ban Kinh tế TƯ mong muốn WB dành sự quan tâm nhiều hơn cả cho việc hỗ trợ về việc xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia. Giám đốc WB tại Việt Nam bày tỏ rằng bà rất vui khi đồng ý với đề nghị này, ngoài ra, WB sẽ hỗ trợ trong việc chia sẻ các đinh hướng, chiến lược trong sử dụng nguồn vốn ODA, hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia quốc tế, tổ chức các hội thảo quốc tế…