Theo báo cáo của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong giai đoạn 2006 - 2014, Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản đã và đang triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ (lĩnh vực nông nghiệp: 145 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản: 69 nhiệm vụ) với tổng kinh phí trên 550 tỷ đồng. 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu (lĩnh vực nông nghiệp: 83 nhiệm vụ, lĩnh vực thủy sản: 47 nhiệm vụ), trong đó một số nhiệm vụ đã được tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất.
Kết quả thực hiện Chương trình cho thấy, Chương trình đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu/bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn; giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa và nhiều dòng giống cây trồng triển vọng đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống. Chương trình đã triển khai 12 dự án vi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên các đối tượng cây lâm nghiệp, hoa, khoai tây… Chương trình đã tạo được nhiều chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật, phân bón, cải tạo đất, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, vắc xin... có hiệu quả trong sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, chọn tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn. Chương trình đang triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ gen, tạo ra những sản phẩm làm tiền đề để tiến tới tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ sinh học cao…
Trong lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2007- 2014 đã đưa vào phát tán và nuôi thương phẩm cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh; 1 dòng cá rô phi đỏ nuôi phát tán và nuôi đánh giá thử nghiệm tại các vùng nước lợ và ngọt. Các đàn tôm sú, tôm chân trắng chọn giống đã được nuôi đánh giá tăng trưởng ở các vùng địa lý khác nhau cho kết quả tốt... Các nhiệm vụ nghiên cứu có ứng dụng công nghệ gen được thực hiện trên cá tra, tôm chân trắng, tôm sú cũng đang được tập trung nghiên cứu.
Đến năm 2015, Chương trình đã triển khai được 25 dự án sản xuất thử nghiệm về giống cây trồng mới được công nhận sản xuất thử, phân bón, chế phẩm sinh học và vi nhân giống hoa, cây lâm nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện đại, Chương trình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu liên quan đến việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành công nhận 02 giống ngô biến đổi gen để đưa vào sản xuất và đánh giá 10 sự kiện biến đổi gien và cấp Giấy xác nhận thực phẩm biến đổi gien đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Để triển khai Chương trình đảm bảo hiệu quả, phù đáp ứng mục tiêu phê duyệt giai đoạn 2015 - 2020, cần gắn kết nhu cầu của thực tế sản xuất với hoạt động nghiên cứu triển khai; Lựa chọn các nhiệm vụ có kế thừa các sản phẩm nghiên cứu trước để hoàn thiện quy trình, xây dựng mô hình ứng dụng phục vụ mở rộng quy mô áp dụng sản phẩm vào thực tiễn sản xuất. Tạo cơ chế để khuyến khích nhập một số công nghệ mới, hiệu quả để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Việt Nam. Tăng cường một số nhiệm vụ mới trong lĩnh vực nghiên cứu hệ gen một số cây trồng, vật nuôi kinh tế chủ lực. Ưu tiên các dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển các chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh chính, mới xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi chủ lực. phục vụ xuất khẩu. Phát triển các chế phẩm xử lý môi trường và bổ sung vào thức ăn… Ngoài ra, tiếp tục triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đến năm 2020./.