Ngày 24 tháng 7 năm 2015, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính chính giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, đại diện của 34 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, bao gồm: thủ trưởng, lãnh đạo phụ trách cải cách hành chính và cán bộ đầu mối cải cách hành chính của các đơn vị.

Sau khi nghe các báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và ý kiến phát biểu của các đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng kết luận như sau:
Trong 5 năm, Bộ đã quyết liệt và nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của Bộ đạt mức trung bình khá (Năm 2013 xếp thứ 3, năm 2014 xếp thứ 7 trong tổng số 19 Bộ, ngành). Bộ trưởng biểu dương Cục Bảo vệ thực vật và Vụ Tổ chức cán bộ đã triển khai quyết liệt, góp phần tạo sự chuyển biến trên thực tiễn, có lợi cho người dân, doanh nghiệp. Một số lĩnh vực đã có sự chuyển biến tích cực như:
Lĩnh vực tổ chức bộ máy: đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương thức chỉ đạo, điều hành, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chấn chỉnh lại hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ và các địa phương, số lượng tổ chức hành chính tại địa phương đã được tinh gọn đáng kể.
Lĩnh vực thể chế: trong nhiệm kỳ đã có nhiều nỗ lực đổi mới, cải cách, Bộ đã xây dựng và trình Quốc hội phê chuẩn 3 Luật (Phòng chống thiên tai, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Thú y), trong đó đã đưa những tinh thần cải cách vào trong Luật, thực hiện có hiệu quả hơn kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đáp ứng sát hơn yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. Đặc biệt từ năm 2014, hệ thống văn bản pháp quy về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm đã có sự chuyển biến nhất định và dần hoàn thiện.
Lĩnh vực hiện đại hóa hành chính: Tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc Bộ đã thực hiện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong cơ quan Bộ; đồng thời, Bộ cũng là một trong số những Bộ tiên phong triển khai thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Tuy nhiên, so với nhiệm vụ Chính phủ giao và trách nhiệm của Bộ đối với ngành, với người dân, doanh nghiệp, những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, nhiều việc chưa đạt được so với nhiệm vụ Chính phủ giao.
Việc xây dựng văn bản pháp quy thường chậm, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhiều văn bản ban hành chưa thể hiện tinh thần cải cách, còn đưa ra những thủ tục phức tạp gây tốn kém về công sức và tiền bạc của người dân và doanh nghiệp. Số lượng thủ tục hành chính và nội bộ từng thủ tục cần tiếp tục cắt giảm và đơn giản hơn nữa.
Cải cách tổ chức bộ máy có kết quả tốt, nhưng cơ chế vận hành của bộ máy còn chồng chéo, đặc biệt sự phối hợp chưa hiệu quả.
Công tác thi tuyển, đào tạo đã có sự đổi mới, tuy nhiên, còn một số bộ phận cán bộ làm việc chưa chuyên nghiệp và thiếu thực tiễn dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo còn nhiều hạn chế.
Việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công còn chậm, thực hiện tự chủ tại một số đơn vị kém hiệu quả, tư tưởng bao cấp còn nặng.
Áp dụng tin học, công nghệ tiên tiến vào trong quản lý nhà nước còn thấp; công nghệ viễn thông, viễn thám trên thực tế hầu như chưa áp dụng.

Nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 là:
1. Cải cách thể chế
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về nông nghiệp và PTNT; đổi mới, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL đảm bảo đáp ứng yêu cầu, thực hiện đúng tinh thần cải cách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thành lập Tổ công tác rà soát nghiêm túc các điều kiện kinh doanh để phủ hợp theo tinh thần Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014.
2. Cải cách thủ tục hành chính
- Rà soát, xây dựng hệ thống TTHC đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành và trong từng lĩnh vực; cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; thực hiện thống nhất cách tính chi phí mà cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ ra khi giải quyết TTHC tại các đơn vị thuộc Bộ, phấn đấu hết năm 2016 có 27 TTHC thực hiện hải quan một cửa và 53 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
- Nghiêm túc trong việc đưa ra những TTHC mới, đặc biệt rà soát, đơn giản hóa TTHC hiện hành trên cơ sở cách tiếp cận mới theo hướng giảm tối thiểu thời gian, chi phí của doanh nghiệp, rà soát, loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
3. Cải cách tổ chức bộ máy
- Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và PTNT từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và tổ chức sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
- Hoàn thiện và thực thi nghiêm túc quy chế vận hành của bộ máy, giám sát thực thi công vụ, thực hiện đúng và có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương.
4. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức
- Triển khai Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, đổi mới công tác tuyển dụng một cách thực chất, tạo điều kiện thu hút người tài, có năng lực về công tác trong Bộ, ngành.
- Đổi mới công tác đào tạo để hiệu quả tốt hơn, xây dựng bộ máy thực sự chuyên nghiệp, trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có đủ phẩm chất, trình độ tham mưu, xây dựng chính sách và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển ngành.
- Đẩy mạnh triển khai đề án cải cách công vụ, công chức (Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ), xây dựng cơ cấu công chức viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.
5. Cải cách tài chính công
Đổi mới cơ quản lý chế tài chính, phân bổ ngân sách, sử dụng kinh phí hành chính, đầu tư xây dựng, triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ, dịch vụ công. Triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện xã hội hoá cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn và nghiên cứu khoa học, chuyển giao.
6. Hiện đại hóa hành chính
- Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông, công nghệ viễn thám trong quản lý; hoàn thành triển khai áp dụng chữ ký số để phục vụ quản lý, điều hành, giải quyết công việc qua môi trường mạng.
- Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, làm tốt hơn nữa hải quan một cửa, phối hợp chặt chẽ với Viettel đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý chuyên ngành, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và các đơn vị, tạo đột phá về ứng dụng CNTT trong quản lý của Bộ.
- Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ; thực hiện hiệu quả hệ thống ISO khối cơ quan Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; tiếp tục hiện đại hoá công sở cơ quan Bộ, các đơn vị thuộc Bộ.
7. Công tác chỉ đạo điều hành
- Các đơn vị nghiêm túc quán triệt, tổ chức họp rà soát, đánh giá lại việc triển khai ở đơn vị để có sự chuyển biến mạnh mẽ và thống nhất về nhận thức, quán triệt sâu sắc yêu cầu của Chính phủ, của Bộ, từ đó có kế hoạch triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.
- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả triển khai cải cách hành chính, bao gồm cả bố trí cán bộ, phương tiện được giao. Các đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa, trước hết cần nhận thức đúng, bố trí nhân lực đúng, lãnh đạo chỉ đạo đúng tầm và hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính của Bộ và các đơn vị hành chính thuộc Bộ; tổ chức đánh giá cán bộ, lấy đó làm tiêu chí xét khen thưởng, nâng lương và có sự điều chỉnh phù hợp.
- Các đơn vị đầu mối (Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị làm tốt hơn nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của đơn vị./.
