Thực phẩm bẩn đang trở thành vấn nạn ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của cả cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến về việc xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước và trên thực tế, việc phân định rõ ràng trách nhiệm không dễ dàng. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối là thực phẩm thiếu vệ sinh, không an toàn vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa bữa ăn của từng gia đình.
Chia sẻ ý kiến về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trách nhiệm của 3 Bộ và ủy ban nhân dân các cấp đã được phân công rõ trong Luật An toàn thực phẩm, với Thông tư liên tịch về việc phân công trách nhiệm cũng như phân công phụ trách đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể và trách nhiệm quản lý theo từng chuỗi sản phẩm đó, cũng như nguyên tắc xử lý các trường hợp giao thoa, nguyên tắc giải quyết giữa 3 Bộ. Theo phân cấp, việc giám sát kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý chủ yếu do cấp địa phương thực thi.
Về việc thanh tra, kiểm tra VSATTP, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, năm 2015 tổng số đạt trên 500.000 cơ sở được thanh kiểm tra, trên toàn quốc hoạt động xử phạt hành chính trên 30 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, con số cơ sở được thanh, kiểm tra VSATTP là khoảng 200.000 cơ sở, với số tiền xử phạt 19 tỷ đồng. Để đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QĐ38 về mô hình thí điểm thanh, kiểm tra tận phường xã, triển khai tại 5 quận 10 phường tại Hà Nội và TP HCM.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y Tế Hà Nội, ngành y tế đã xây dựng đội ngũ kiểm tra trên địa bàn Hà Nội đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doánh buôn bán phụ gia. Sở Y tế Hà Nội theo phân công đã hoàn thiện công tác chuẩn bị, cấp trang phục, tập huấn cho các cán bộ kiểm tra. Kết quả bước đầu là chỉ đạo tốt các quận, huyện sử dụng cán bộ chuyên ngành có kỹ năng chuyên môn xử lý vi phạm quyết liệt hơn; thời gian thanh tra sâu hơn, số lượt thanh tra ít hơn kiểm tra nhưng hiệu quả đạt được cao hơn. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, các cơ sở vi phạm được công khai lên hệ thống truyền thông tại cơ sở để đạt hiệu quả răn đe cao hơn. Tuy nhiên, khó khăn đối với việc kiểm tra là cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn hoạt động nhỏ lẻ, nhiều biến động.
Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là địa phương được chọn làm mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn. Người dân tham gia mô hình được vận động bón rau bằng bột đỗ tương, cám ủ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nếu sử dụng phân chuồng phải tổ chức ủ theo quy định. Đối với các hộ chăn nuôi, không được sử dụng các loại thức ăn mà Nhà nước có quy định cấm. Các HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp được chỉ đạo hỗ trợ nông dân về chế phẩm sinh học và rỉ mật, cũng như hướng dẫn quy trình ủ phân trước khi bón lót. Hiện tại, sản phẩm rau, củ, quả sạch của Chúc Sơn đang cung cấp cho 3 bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Xô và Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đồng thời tiếp tục phát triển mở rộng ra thị trường khác. Hiện có 01 HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp đã thực hiện mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 10 ha.
Để đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, tại tọa đàm, các khách mời nhất trí với việc cần tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần thông thái và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, mẫu mã rõ ràng.