Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, nhất là các địa phương ở Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là rà soát chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây hàng năm như: ngô, đậu tương, vừng, lạc, rau màu... có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các địa phương tập trung khắc phục hậu quả của hạn hán ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và bão lụt ở miền Bắc để khôi phục sản xuất, chuyển đổi sản xuất các giống cây trồng linh hoạt theo phương án cụ thể cho từng vùng, đảm bảo hiệu quả.
Ông Trần Quốc Tuấn, Quyền Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, ngành sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt các tỉnh miền Trung do mưa nhiều nên dễ phát sinh dịch bệnh vào cuối vụ.
Tại các tỉnh phía Bắc năm nay cũng có mưa nhiều nên có hiện tượng lúa phát triển đòng muộn hơn quy luật. Một số diện tích do mưa bão nên gieo cấy chậm hơn thời vụ 1 tuần nên làm đòng chậm hơn so với mọi năm. Do vậy, các địa phương cần tập trung chăm sóc chủ yếu khâu nuôi và đón đòng, chú ý sâu bệnh cuối vụ, nhất là sâu cuốn lá, sâu đục thân để có vụ mùa thắng lợi.
Chăn nuôi cũng là lĩnh vực được cho có nhiều dư địa và có lợi thế phát triển. Năm nay dự báo là được mùa toàn diện cả về sản lượng, giá trị, thị trường. Ngành sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Đồng thời, tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển giống vật nuôi chất lượng cao, kể cả nhập khẩu; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, dịch bệnh trên chăn nuôi đang được khống chế cơ bản, tuy nhiên không nên chủ quan bởi mưa nhiều dễ bùng phát dịch bệnh. Người chăn nuôi cũng không nên nuôi ồ ạt khi không đảm bảo nguồn giống tốt.
Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả; tăng cường kiểm tra và giám sát thực hiện việc tuân thủ các quy định điều kiện nuôi, tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản.
Đặc biệt, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý tôm giống và vật tư đầu vào, đảm bảo chất lượng; thúc đẩy sản xuất tôm.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân tại 4 tỉnh miền Trung và đề xuất các giải pháp bồi thường, hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hoàn thiện Đề án đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung./.