Ngày 16 tháng 02 năm 2017 tại trụ sở Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị với lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục Thủy sản để xác định nhiệm vụ trọng tâm và bàn giải pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của ngành thủy sản.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt ngay từ đầu năm; nhằm đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành năm 2017 và chủ động ứng phó với các khó khăn của ngành dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2017 như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khó khăn về thị trường (các rào cản thương mại), dịch bệnh trên thủy sản nuôi… Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tập trung bán sát Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 trên các lĩnh vực như:
Nuôi trồng thủy sản
Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (đã tổ chức ngày 6/2/2017 tại Cà Mau). Theo đó, tiếp tục xác định tôm sú, tôm thẻ là đối tượng sản phẩm chủ lực quốc gia; bên cạnh đó cần quan tâm phát triển đối tượng tôm hùm tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, tôm càng xanh tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để đảm bảo phát triển, tăng trưởng Ngành tôm Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng; nâng cao giá trị gia tăng của Tôm bằng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ Tôm; bên cạnh đó chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu; kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào dùng trong nuôi Tôm, từng bước chủ động việc sản xuất cung ứng giống tôm bố mẹ; tham mưu để Bộ/Chính phủ có cơ chế chính sách tốt huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, công nghệ nuôi, chế biến tôm của các doanh nghiệp.
Đối với sản xuất, tiêu thụ cá tra: Năm 2017 cần tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý đối tượng cá tra như hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về quản lý cá tra (thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP); gấp rút xây dựng và trình ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản lý cá tra và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến cá tra. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị của Bộ và các Bộ ngành liên quan tham mưu nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao chủ động ứng phó với Chương trình giám sát cá da trơ theo đạo luật nông trại (Farbill) của Hoa Kỳ; chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức hội chợ triển lãm về cá tra tại Hà Nội (quý 3 năm 2017) để thúc đẩy tiêu thụ nội địa với sự tham gia của các nhà phân phối lớn tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài, các chuyên gia ẩm thực; tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 3 thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh các đối tượng nuôi chủ lực, sản phẩm cấp quốc gia nêu trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng Thủy sản tập trung hoàn thiện thể chế, chỉ đạo các địa phương phát triển nuôi các đối tượng bản địa là đặc sản ở từng vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, tây Nguyên).
Khai thác thủy sản
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Đề án tổng thể về xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung; tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung mà Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tại Hội nghị Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Thủy sản khẩn trương tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT/Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đồng thời rà soát tổng thể các chính sách hiện có về khai thác thủy sản trên biển để đề xuất Chính phủ điều chỉnh các chính sách hiện nay bằng một nhóm chính sách tổng thể phù hợp với thực tiễn, hiện trạng nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản chuẩn bị tốt nội dung để chuẩn bị Hội nghị do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì trong quý I với các Bộ/ngành liên quan và địa phương về việc triển khai Chỉ thị "689" của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất các giải pháp quản lý nhà nước mạnh hơn nhằm ngăn chặn tình trạng tàu cá của Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và các tàu cá của nước ngoài xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Kiểm ngư tăng cường phối hợp với các lực lượng chấp pháp khác trên biển thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển để động viên, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác, bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.
Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tiếp tục củng cố cơ sở dữ liệu về điều tra nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; khẩn trương tham mưu triển khai Dự án tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái đặc thù là nơi cư trú của các giống loài thủy sản tại 04 tỉnh miền Trung; triển khai tốt kế hoạch đã ký với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường các hoạt động truyền thông về công tác bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản khẩn trương xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện: Đề án Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế; Triển khai các nhiệm vụ đàm phán đưa tàu đi khai thác, thiết lập đường dây nóng và thực hiện nội dung các thỏa thuận và Hiệp định đã ký với các nước trong khu vực như Brunei, Philippin, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và đàm phán gia nhập WCPFC.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng xác định rõ khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng phục vụ tái cơ cấu và tăng trưởng của Ngành thủy sản, yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu, đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2022 tập trung vào các đối tượngthủy sảnchủ lực; Hoàn thiện và trình Ban hành kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản; Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nuôi trồng, khai thá.
Bên cạnh những định hướng chỉ đạo về sản xuất ngành, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản trong năm 2017 tập trung cao độ hoàn thiện thể chế của ngành, đặc biệt là hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt Luật Thủy sản (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tại các đơn vị trực thuộc; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương công vụ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy của Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.