Sau 3 năm triển khai, Nghị định 67 góp phần quan trọng hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển thủy sản bền vững. Cả nước hiện có 761 tàu cá xa bờ được đóng mới đi vào hoạt động; hơn 9 nghìn tỷ đồng được ngân hàng giải ngân hỗ trợ đóng tàu; gần 13 nghìn con tàu được hỗ trợ bảo hiểm. Trong số 761 tàu cá được đóng mới có hơn 47% là tàu vỏ thép và tàu vật liệu mới; khoảng 50% tàu cá có công suất từ 800 mã lực trở lên…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 vẫn còn một số vướng mắc và hạn chế. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, các cơ sở hạ tầng nghề cá như: cảng cá, khu neo đậu chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu nên xuất hiện tình trạng xuống cấp và quá tải. Các chính sách khác như: hỗ trợ ngư dân vay vốn lưu động để tránh phụ thuộc vào chủ nậu, vựa vẫn chưa thực sự thành công do lãi suất cao và cơ chế cho vay chưa phù hợp. Việc đào tạo cho ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện do chưa có quy định hỗ trợ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới…
Một vấn đề lớn nữa là đóng mới và nâng cấp tàu cá còn nhiều bất cập. Đó là 40 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam bị hư hỏng gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước. Hiện các tàu đã được khắc phục và sửa chữa. Dự kiến đến cuối tháng này sẽ ra khơi trở lại. Ông Trần Châu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định – địa phương có số lượng tàu vỏ thép bị hỏng nhiều nhất sau khi đóng mới cho biết, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do tàu hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài khó trả lãi ngân hàng.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân cần xem xét việc giãn nợ ngân hàng, đồng thời kiến nghị cho phép các đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương tham gia giám sát quá trình đóng tàu để đảm bảo chất lượng các tàu đóng mới, ông Trần Châu đề xuất:
Nên bổ sung giao Sở nông nghiệp hoặc Chi cục Thủy là cơ quan thường xuyên giúp cho ngư dân trong vấn đề kiểm tra, giám sát đóng mới tàu từ khâu vật liệu, nhiên liệu các yếu tố đầu vào cho đến khi hoàn thiện tàu. Có như vậy thì mới đảm bảo chất lượng tàu đóng mới so với việc ngư dân tự đóng mới cùng các cơ sở đóng tàu như hiện nay.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67; xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với thực tiễn để đem lại hiệu quả cao hơn. Về sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng ở một số tỉnh, thành phố Bắc Trung bộ, cần tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu. Đặc biệt khâu giám sát thi công, đăng kiểm, đóng tàu. Xử lý nghiêm những sai phạm của các tổ chức, cá nhân. Để xảy ra sự cố vừa qua, cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm…
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giaoBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan triển khai nhóm chính sách đã ban hành theo Nghị định 67 đến hết năm nay. Khẩn trương khắc phục sự cố tàu vỏ thép bị hỏng để đưa vào sản xuất. Vấn đề này phải làm ngay, bởi việc này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn có cả ý nghĩa về chính trị, xã hội cao. Thứ hai, xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức có sai phạm trọng thực hiện Nghị định 67, nhất là đóng mới tàu cá không đảm bảo chất lượng. Rà soát lại các cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá và đưa vào các đơn vị có đủ năng lực, chất lượng để thực hiện việc này./.