Nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống là một trong những nội dung thuộc Hợp phần A (hỗ trợ sản xuất chăn nuôi nông hộ và gắn kết thị trường) trong khuôn khổ Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm - Lifsap (do Ngân hàng Thế giới tài trợ). Mục đích của việc nâng cấp nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như xử lí và quản lí chất thải tại chợ, đồng thời nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan tại chợ trong vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường kinh doanh thịt, bảo vệ sức khỏe bản thân người kinh doanh làm việc tại chợ và người tiêu dùng…
Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Dù (Văn Lâm) cho biết: “Tin tưởng và nhận thức rõ được những lợi ích cho người kinh doanh tại chợ và người tiêu dùng sau khi nâng cấp chợ nên mặc dù xã gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng song Đảng ủy, UBND xã quyết tâm cao nhất để dự án nhanh chóng được triển khai”. Chợ Đình Dù chật chội, để giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư nâng cấp khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống mà vẫn bảo đảm hoạt động kinh doanh của các hộ cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, xã phải đầu tư kinh phí làm chợ tạm để đưa khu vực bán rau sang đó, đồng thời qui hoạch lại các khu vực bán hàng trong chợ. Khi khu thực phẩm tươi sống được hoàn thành đầu tư với hai dãy, 60 quầy kinh doanh thực phẩm tươi sống có mái che; hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch; hệ thống xử lí nước thải, rác thải; khu vực vệ sinh công cộng; dụng cụ phục vụ khử trùng, kinh doanh; bảo hộ lao động; mỗi quầy đều có bề mặt được lát đá, có khung bằng inox với giàn móc treo thực phẩm, tường và nền đều được ốp lát sạch sẽ, có bồn rửa, bên dưới mặt quầy có tủ đựng… đã tạo nên diện mạo mới cho chợ Đình Dù. Hình ảnh này đã xóa đi thực trạng trước đây, khu vực bán thực phẩm của chợ chỉ là những lán quán bán hàng lụp xụp, ẩm thấp; một số bàn quầy bằng gỗ dùng nhiều năm, không được vệ sinh thường xuyên… gây tâm lí lo ngại cho người tiêu dùng về vấn đề an toàn vệ sinh mỗi khi chọn mua thực phẩm.
Cùng với chợ Đình Dù, tất cả 14 chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được Dự án Lifsap đầu tư nâng cấp khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống trong đợt 1 (năm 2012 – 2013) đã đi vào hoạt động và 13 chợ đang được đầu tư nâng cấp trong đợt 2 (năm 2013 – 2014), phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 5 tới đều được thực hiện theo một mẫu chuẩn như chợ Đình Dù. Theo Ban quản lí dự án tỉnh Hưng Yên, tổng kinh phí mà Dự án Lifsap đầu tư nâng cấp chợ của tỉnh trong cả hai đợt khoảng trên 41 tỷ đồng. Ngoài đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng như ở trên, Dự án còn đào tạo kĩ thuật và chuyên đề về: Kiểm dịch thịt; qui trình vận hành chợ thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm áp dụng nguyên tắc HACCP cho Ban quản lí chợ, người kinh doanh, người vận chuyển, người làm vệ sinh chợ.
|
Chợ Dị Chế (Tiên Lữ) được nâng cấp khu kinh doanh thực phẩm tươi sống giúp cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm |
Theo Ban quản lí các chợ được Dự án Lifsap đầu tư kinh phí nâng cấp khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống thì hiệu quả nổi bật nhất sau khi chợ được nâng cấp là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm, vệ sinh khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống sạch sẽ. Nhờ đó, việc buôn bán của các hộ kinh doanh thuận lợi hơn, hiệu quả kinh doanh cũng tốt hơn. Người tiêu dùng yên tâm hơn khi chọn mua thịt ở các khu vực này. Trong khu vực bán thịt tại chợ Dị Chế (Tiên Lữ), quầy hàng của chị Nguyễn Thị Hòa thường khá nhộn nhịp khách. Chị Hòa cho biết: “Từ năm 2013, sau khi khu bán thịt tại chợ được Dự án Lifsap đầu tư nâng cấp sạch sẽ, việc buôn bán của chúng tôi ở đây rất thuận lợi. Trước đây, việc vệ sinh bàn quầy bày bán thịt cùng các dụng cụ không được thường xuyên thì nay ngày nào tôi cũng làm việc đó hai lần vào lúc bán hàng xong và trước khi bày thịt bán. Những người mua thịt xay sẵn về chế biến cũng không còn e ngại vấn đề vệ sinh”. Bà Trần Thị Hải, kinh doanh quần áo ở chợ Châu, xã Tân Tiến (Văn Giang) bộc bạch: “Vừa là người bán hàng, vừa là người tiêu dùng, thấy khu buôn bán thực phẩm cao ráo, sạch sẽ, tôi yên tâm hơn trước nhiều. Không những thế chúng tôi rất vui vì cũng được hưởng lợi chung từ các công trình phụ trợ khác mà Dự án đầu tư”.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu vận hành chợ theo qui trình Lifsap khiến Ban quản lí các chợ vất vả hơn trước nhiều. Tất cả các khâu đều phải được thực hiện chặt chẽ từ kiểm soát nguồn gốc thịt về chợ; tuyên truyền các công việc mà người kinh doanh phải làm hàng ngày, hàng tuần; Ban quản lí chịu trách nhiệm trong khâu quản lí, vận hành, bảo đảm hệ thống điện, nước trong chợ luôn hoạt động tốt. Tại các chợ đã gắn biển Lifsap, các hộ kinh doanh trong khu vực này đều phải cam kết thực hiện đúng qui trình vệ sinh Lifsap đã tập huấn, cùng bảo quản tài sản chung, việc giữ gìn vệ sinh chung... Đại điện Ban quản lí Dự án Lifsap tỉnh Hưng Yên cho biết: Do đã được tập huấn và cam kết vận hành chợ theo qui trình Lifsap nên chỉ sau một thời gian ngắn đã hình thành thói quen tốt trong công tác vệ sinh, ý thức giữ gìn tài sản chung của các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ được nâng cấp. Ngoài các cá nhân kinh doanh thực hành việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh khu vực quầy bán hàng của họ thì các chợ đều thành lập tổ vệ sinh môi trường để làm vệ sinh tổng thể, bảo đảm vệ sinh chung của khu vực. Đây cũng chính là các mô hình để các địa phương chưa được nâng cấp chợ tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm khi đầu tư xây mới chợ hoặc nâng cấp, cải tạo khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.