Có thể thu hàng trăm triệu USD từ phân thải
Nếu ứng dụng công nghệ SX phân hữu cơ từ phân thải của vật nuôi để thay thế một phần cho phân bón hóa học, chúng ta có thể thu được hàng trăm triệu USD từ nguồn phân thải chăn nuôi
Máy tách chất khô từ phân lợn
Đồng thời đẩy lùi áp lực ô nhiễm môi trường sinh ra từ các khu chuồng trại. Hiện nay, quy mô ngành chăn nuôi Việt Nam vào khoảng hơn 17 triệu hộ, trong đó gần 11 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, 4 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi trâu bò. Trong số này chỉ có 23.000 hộ là chăn nuôi trang trại có áp dụng một phần hoặc toàn phần theo công nghiệp hiện đại. Như tôi đã đề cập trên NNVN trong số trước (bài “Biến chất thải, phụ phẩm nông nghiệp thành tiền”), việc sử dụng công trình khí sinh học sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn chất thải chăn nuôi, đồng thời sản sinh ra nguồn khí đốt hữu ích cho con người.
Tuy nhiên, nếu công suất hầm khí sinh học không tương xứng với quy mô đàn vật nuôi, hoặc không sử dụng hết lượng khí gas sinh ra từ hầm biogas thì sẽ càng làm ra tăng ô nhiễm môi trường (đặc biệt là ở những trang trại quy mô vừa và lớn). Tại sao chúng ta không biến lượng phân thải khổng lồ này để tạo ra các sản phẩm thương mại giá trị cao? Vừa rồi, tôi đi công tác ở Tây Nguyên. Tại đây, phân bò khô được bà con thu gom tự phát để vận chuyển lên Đắk Lắk bán cho các cơ sở SX phân hữu cơ vi sinh.
Thị trường phân hữu cơ vi sinh ở đây khá phát triển. Tôi đã thăm một số cơ sở SX. Họ SX phân từ than bùn, mùn mía, phụ phẩm từ nhà máy đường, phân bò khô… có phối trộn thêm phân hóa học NPK, giá thành SX khoảng 2,7 triệu đồng/tấn, bán cho nông dân trồng điều, hồ tiêu, cà phê khoảng 4,5-5 triệu đồng/tấn, tiềm năng tiêu thụ rất lớn. Tôi được biết, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 4 tỷ USD để chi phí cho phân bón hóa bón cho cây trồng, trong đó nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được hơn 1 nửa, còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài (số liệu năm 2012, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,8 tỷ USD phân bón hóa học).
Tại hội thảo “Sử dụng phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp” do Bộ NN-PTNT tổ chức vào đầu tháng 11 vừa qua, PGS.TS Phạm Quang Hà, Phó Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, trong những năm qua, tiêu thụ phân bón hóa học ở Việt Nam ngày một gia tăng. Tuy nhiên, hiệu lực sử dụng phân bón còn khá thấp khi có tới trên 50% phân khoáng bị rửa trôi ra môi trường. Nếu tính trung bình thì mỗi năm ngành trồng trọt trong nước đang lãng phí trên 5 triệu tấn phân các loại, tương đương ít nhất khoảng 2 tỷ USD.
Tình trạng sử dụng phân bón hóa học lãng phí, tràn lan gây ra nhiều hệ lụy khó lường, thiệt hại kinh tế cho người nông dân nói riêng và toàn xã hội. Nếu hình thành được thị trường phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn/năm) để thay thế một phần phân hóa học thì giá trị kinh tế mang lại sẽ rất lớn (nếu chỉ thay thế một phần rất nhỏ 5% của 4 tỷ USD phân hóa học đang sử dụng hàng năm bằng phân bón hữu cơ thì sẽ giảm nhập khẩu phân hóa học 200 triệu USD/năm).
Đối với phân gà, nhu cầu sử dụng của các vùng trồng hoa, cây cảnh đang khá lớn. Bởi vậy, đầu ra không đáng ngại. Tuy nhiên, nguồn tiêu thụ phân lợn lại rất ít. Theo quy định, khi vận chuyển phân tươi phải có xe bồn chuyên dụng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời hàm lượng nước trong phân lợn khá lớn (do bị pha lẫn trong quá trình bơm nước rửa chuồng, nước tiểu…). Rất may là trên thị trường đã xuất hiện những chiếc máy có khả năng ép phân tươi thành phân nguyên liệu khô.
Giá mỗi chiếc máy ép phân loại phổ thông khoảng 80 triệu đồng, có thể ép khoảng 15 kg phân/giờ. Vừa rồi, Cty Bayer có chào bán máy ép phân lưu động có công suất 15-25 m3/ giờ với giá khoảng 18.000 USD/chiếc, khá phù hợp với thị trường Việt Nam. Như vậy, một hộ dân có thể mua máy ép phân để làm dịch vụ thu gom cho các hộ khác. Đối với các hộ chăn nuôi nhiều lợn thì cần phải có bể chứa phân có nắp đậy kín, khi nào bể đầy sẽ gọi dịch vụ ép phân đến hút. Một lượng nhỏ nước thải còn lại sau khi ép phân sẽ được đưa xuống hầm biogas để tiếp tục xử lý sinh khí ga phục vụ sinh hoạt.
Nếu mô hình nhà máy SX phân bón hữu cơ quy mô lớn từ chất thải chăn nuôi mà dự án đang theo đuổi thành công thì hệ thống thu gom chất thải chăn nuôi từ các nông hộ sẽ tự động hình thành để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy. Đồng thời, mô hình này sẽ giúp xử lý được triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong bối cảnh các hầm khí sinh học có dung tích xử lý cố định mà quy mô chăn nuôi thường xuyên thay đổi nên hay dẫn đến quá tải hầm. Theo tôi, đây là một hướng đi rất đúng đắn. Bởi thực tế khá nhiều đơn vị SX phân bón hữu cơ vi sinh từ than bùn đang gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu. Trong khi đó chất thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu tái tạo vô hạn nhưng đang bị thải bỏ gây ô nhiễm môi trường.
TS NGUYỄN THẾ HINH
Giám đốc BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp TƯ