Toàn xã Long An hiện có 179 hộ chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ và vừa, tất cả đều đầu tư vốn đối ứng để xây dựng công trình khí sinh học
Công trình khí sinh học giảm học nhằn cho phụ nữ
Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho hay, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp giúp cộng đồng dân cư hưởng lợi, chăn nuôi ở nông thôn không còn ô nhiễm môi trường... "Công trình khí sinh học do dự án hỗ trợ còn cung cấp chất đốt an toàn, giúp người chăn nuôi giảm nhọc nhằn, không phải kiếm củi để đun nấu mỗi ngày.
Công trình là đòn bẩy giúp người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại để tăng đàn. Đặc biệt giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong việc xây dựng NTM", ông Lập chia sẻ. Toàn xã Long An hiện có 179 hộ chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ và vừa, tất cả đều đầu tư vốn đối ứng để xây dựng công trình khí sinh học. Trong số này có 66 hộ chăn nuôi được dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình. Phần vốn còn lại đa số bà con bỏ tiền tích lũy nhiều năm để đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang kiêm Giám đốc BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp của tỉnh cho biết, Tiền Giang là tỉnh có đàn gia súc phát triển theo hình thức trang trại đứng thứ 2 ở ĐBSCL với trên 220 trang trại, chiếm 24% tổng số trang trại toàn khu vực. Tất cả trang trại đều xây dựng công trình khí sinh học.
Nhiều trang trại đã vận dụng khí sinh học để chạy máy phát điện nhằm giảm chi phí tiền điện thắp sáng, chạy máy bơm nước để tổng vệ sinh chuồng trại. Nhiều hộ tự tin đầu tư vốn mở rộng quy mô chăn nuôi mà không lo gây ô nhiễm môi trường. Ông Huỳnh Thanh Nông, kỹ thuật viên BQL dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Tiền Giang cho biết, sau 18 tháng triển khai dự án, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.500/2.900 công trình khí sinh học. Dự án đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải, nước thải, giảm nhọc nhằn cho phụ nữ và trẻ em, cải thiện vệ sinh trang trại, thay thế gỗ củi và các nhiên liệu hóa thạch khác cho việc đun nấu góp phần giảm phát thải khí nhà kính...