ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Tất cả các hoạt động dự án đã được triển khai với tiến độ về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. 19/22 chỉ số đầu ra của dự án đã hoàn thành với tiến độ có sự khác biệt giữa các hợp phần:
(i) Hợp phần 1 đạt 7/8 chỉ tiêu. Mục tiêu có 5 tiêu chuẩn GAP về sản xuất, kinh doanh rau, chè, quả an toàn hiện đã xây dựng được 4 bộ tiêu chuẩn. Dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu trong năm 2014 khi có thêm 2 tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật được ban hành.
(ii) Hợp phần 2 đạt 4/6 chỉ tiêu. Chỉ tiêu có 2.500 ha vùng mô hình SAZ sẽ có đường kết nối chợ, có hệ thống điện, nước sạch, hệ thống xử lý chất thải, đóng gói/sơ chế sản phẩm an toàn và có hạ tầng thị trường phù hợp. Hiện tại mới có 2.189 ha đang hoàn thành/chuẩn bị hoàn thành đầu tư. Khoảng 875 ha cho 28 mô hình tiếp theo đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Dự kiến đến khi kết thúc dự án sẽ có 3.064 ha được đầu tư, đạt 123% chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu về nghiên cứu và thay thế giống cũng đang được triển khai. Các hợp đồng nghiên cứu 12 giống chè, quả mới có khả năng chống chịu sâu bệnh đã được ký kết trong tháng 12/2014. Mục tiêu 14.000 ha thay thế giống đặt ra không những đã đạt được mà còn vượt 6,8 % (14.959ha).
(iii) Hợp phần 3 đã hoàn thành cả 3/3 chỉ tiêu.
(iv) Hợp phần 4 đã hoàn thành cả 5/5 chỉ tiêu.
2. Tham gia bình đẳng của các nhóm hưởng lợi và bình đẳng giới: Nguyên tắc này được quán triệt trong mọi hoạt động của Dự án thông qua việc họp dân, cung cấp thông tin minh bạch, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo đều được khuyến khích tham gia dự án, các hoạt động ở cấp cơ sở đều có tham vấn hoặc sự tham gia của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đại diện các nhóm người hưởng lợi. Tỷ lệ học viên nữ và người dân tộc thiểu số tham gia các khóa đào tạo, tập huấn của dự án lần lượt là 32,1%. Các hoạt động xây lắp trong dự án không gây ra các ảnh hưởng về thu hồi đất và đền bù tái định cư.
3. Kế hoạch hành động về giới tiếp tục được triển khai lồng ghép vào tất cả hoạt động của dự án. Phụ nữ tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành hàng rau, quả, chè và họ cũng được hưởng lợi từ các hoạt động đào tạo do dự án tài trợ. Tỉ lệ phụ nữ được đào tạo VietGAP đạt 33,5% tổng số người được đào tạo tính từ khi bắt đầu thực hiện dự án là một minh chứng cho điều đó. Vai trò phụ nữ trong quá trình tham vấn cũng được chú trọng. Theo đó, có đến đạt 33,4 % phụ nữ đư��c tham vấn trong các cuộc họp bàn về việc thiết kế, thi công các công trình cơ sở hạ tầng. Trong hoạt động đào tạo liên quan đến công trình khí sinh học, tỉ lệ nữ đạt 24,9%. Riêng mục tiêu đưa vào hợp đồng với các nhà thầu xây lắp điều khoản khuyến khích ít nhất 30% lao động phổ thông là phụ nữ cần phải xem xét lại do đặc thù công việc, địa điểm, điều kiện làm việc tại các công trường xây dựng không phù hợp với thể trạng của người phụ nữ và thường buộc họ phải đi làm xa, không có điều kiện chăm sóc cho gia đình.
4. Vấn đề môi trường: Dự án được phân loại thuộc Danh mục B - Không nhạy cảm về môi trường theo chính sách của ADB. Bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các tài liệu tập huấn và thực hành, chứng nhận VietGAP, thay thế giống... theo đúng qui định của ADB và Luật Môi trường Việt Nam. Các tiểu dự án đầu tư xây dựng công trình trong dự án đều có Báo cáo kiểm tra môi trường ban đầu (IEE)/Cam kết bảo vệ môi trường (CEP)/Báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) được lập phù hợp với các nguyên tắc và quy định nêu trong Khung chính sách về môi trường của Dự án đã được ADB và Chính phủ Việt Nam thống nhất trong quá trình chuẩn bị Dự án. Báo cáo IEE của một tiểu dự án đầu tiên đã được ADB xem xét, thông qua và ủy quyền cho CPMU xem xét các báo cáo tiếp theo, đảm bảo có nội dung phù hợp với báo cáo của tiểu dự án đầu tiên đã được ADB thông qua trước đó.
5. Báo cáo kiểm toán các tài khoản của dự án và Thư quản lý đã được đệ trình đúng thời hạn. Một số phát hiện và kiến nghị liên quan đến những vấn đề về công tác quản lý tài chính tại một số đơn vị thực hiện dự án đã được đưa ra. Không có những sai sót trọng yếu về mặt tài chính của các đơn vị thực hiện dự án được phát hiện trong kỳ báo cáo.
6. Đơn vị tư vấn về giám sát, đánh giá dự án hiện đã được huy động với những hỗ trợ ban đầu cho việc kiện toàn hệ thống giám sát, đánh giá của dự án. Hiện dự thảo báo cáo điều tra cơ bản do đơn vị tư vấn xây dựng đang được CPMU xem xét, góp ý.
7. Hiện nay, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục điều chỉnh giảm mức trần lãi suất huy động, Co-opbank (CCF trước kia) và VBARD do đó cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tương ứng nguồn vốn từ Dự án. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhu cầu vay vốn giảm xuống. Ngoài ra, một số chương trình/dự án khác giải ngân trên cùng địa bàn như đều có mức lãi suất ưu đãi hơn từ 2-3% so với nguồn vốn từ Dự án QSEAP, do đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự giảm sút nhu cầu vay vốn cho phát triển khí sinh học từ dự án.
8. Việc chậm giao kế hoạch vốn đối ứng hàng năm vẫn tiếp tục diễn ra tại một số tỉnh (Yên Bái, TP. Hải Phòng) . Toàn dự án tại các địa phương mới bố trí được 48% nhu cầu vốn đối ứng trong nước. Các tỉnh hiện chưa bố trí đủ vốn đối ứng gồm: Bắc Giang (mới bố trí được 20%, Ninh Thuận 25%, Đà Nẵng 15%, Phú Thọ 13 %, Kế hoạch hàng năm phê duyệt chậm và bố trí không đủ vốn đối ứng từ đầu năm luôn là vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân 6 tháng đầu năm. Thông thường tình trạng này chỉ được khắc phục ở kỳ điều chỉnh kế hoạch 6 tháng cuối năm. Hiện CPMU đang giám sát chặt chẽ việc bổ sung vốn đối ứng ở các đơn vị còn thiếu để có báo cáo Bộ NN&PTNT và có kế hoạch làm việc với các địa phương, đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng theo nhu cầu thực tế của dự án.
G. Tổ chức thực hiện và quản lý dự án ở các Ban quản lý dự án thành phần
9. Đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các Ban quản lý dự án thành phần chủ yếu là kiêm nhiệm (Giám đốc, điều phối viên, phụ trách kế toán) nên gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện dự án. Sự thành công của dự án phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cán bộ và sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Trong khi một số PMU triển khai tốt và kịp thời các hoạt động dự án thì một số khác tỏ ra chậm chạp và thiếu chủ động nên kết quả và tiến độ chưa đạt yêu cầu. Những báo cáo tiến độ do các đơn vị cung cấp với nội dung sơ sài, số liệu cung cấp chưa có độ tin cậy cao thể hiện phần nào năng lực quản lý của các PPMU.
10. Qua đợt Đánh giá hiệu quả hoạt động mua sắm của dự án do ADB thực hiện (PREI), năng lực còn hạn chế của đội ngũ cán bộ, tư vấn mua sắm cũng như hiểu biết chưa đầy đủ việc vận dụng các quy định của ADB, việc hài hòa giữa thủ tục mua sắm của ADB và Chính phủ Việt Nam của một số tỉnh dự án đã được nêu ra. Những rủi ro này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để đảm bảo tính tuân thủ, hiệu quả và hiệu lực trong công tác đấu thầu tại các đơn vị thực hiện dự án.
11. Một trong những vấn đề gây trở ngại đáng kể tới tiến độ triển khai dự án là khâu thẩm định, phê duyệt các kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch tổng thể và các bước chuẩn bị và thực hiện đầu tư các công trình xây lắp tại các địa phương. Lý do chậm chễ một phần đến từ phía các cơ quan giúp việc cho Chủ đầu tư, Cơ quan chủ quản trong công tác thẩm định nhưng cũng có một phần đến từ chính cơ quan thực hiện dự án khi khâu chuẩn bị hồ sơ, tài liệu chưa tốt. Gần đây, các yêu cầu về thắt chặt quản lý chất lượng công trình hoặc việc khó khăn trong bố trí vốn đối ứng của các địa phương cũng gây ra chậm trễ trong phê duyệt các kế hoạch và đề xuất đầu tư của các tỉnh dự án.