Trong thời gian từ ngày 13/8 đến 30/9 năm 2014, Viện Quản lý và Phát triển Châu Á đã hoàn thành điều tra cơ bản phục vụ đánh giá tác động của dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững – CRSD, do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Sau hơn 1 tháng tiến hành xây dựng bộ công cụ khảo sát với sự góp ý và hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Ban Quản lý Dự án và cán bộ của Ngân hàng Thế giới, nhóm nghiên cứu của AMDI đã thành lập 3 nhóm điều tra viên với 2 giám sát viên mỗi nhóm để bắt đầu tiến hành điều tra tại 3 địa bàn dự án là Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh), Nam Trung Bộ (Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa), và đồng bằng Sông Cửu Long (Sóc Trăng – Cà Mau).
Trước khi tiến hành điều tra ở mỗi khu vực các điều tra viên được lựa chọn tham gia vào khóa tập huấn kéo dài 2 ngày với sự hướng dẫn chi tiết từ các chuyên gia thủy sản và nhóm giám sát viên. Buổi tập huấn đã giới thiệu về mục tiêu của dự án và các hoạt động của dự án; mục đích khảo sát; nội dung và kỹ thuật phỏng vấn; phương pháp và nguyên tắc chọn mẫu; hướng dẫn sử dụng máy tính bảng... Bên cạnh đó các điều tra viên cũng được tham gia phỏng vấn thực tế một số chủ tàu tại một địa bàn được lựa chọn để thành thạo bộ câu hỏi và cách xử lý tình huống phát sinh.
(Ảnh: Cán bộ WB cùng tham gia tập huấn tại Bình Định)
(Ảnh: Phỏng vấn thử tại Sóc Trăng)
Xuyên suốt quá trình tiến hành điều tra, nhóm điều tra của AMDI gồm các chuyên gia về thủy sản, giám sát viên và điều tra viên đã phối hợp chặt chẽ và ăn ý để đáp ứng các yêu cầu cao của Ngân hàng Thế giới và BQLDA về phương pháp chọn mẫu và chất lượng dữ liệu. Khi có bất kì vấn đề nào phát sinh trong quá trình thu thập dữ liệu như khó khăn trong việc tìm tên trong danh sách chủ tàu đã lựa chọn, dữ liệu phát sinh ngoài bảng hỏi, cách chọn chủ tàu bổ sung khi thiếu danh sách...giám sát viên đều nắm được tình hình ngay lập tức để thông báo cho cán bộ Ngân hàng Thế giới và thảo luận tìm ra cách giải quyết phù hợp, kịp thời, đảm bảo chất lượng và tiến độ khảo sát. Cuối mỗi ngày khảo sát, nhóm điều tra được yêu cầu họp tổng kết ngày để kiểm tra chất lượng toàn bộ phiếu thu thập được trong ngày và báo cáo tình hình thực hiện công việc trong ngày cho các bên liên quan.
(Ảnh: Thảo luận phân công nhiệm vụ tại xã)
(Ảnh: Phỏng vấn hộ ngư dân tại Bình Định)
(Ảnh: Phỏng vấn hộ ngư dân tại Khánh Hòa)
(Ảnh: Phỏng vấn hộ ngư dân tại Khánh Hòa)
Mặc dù cả 3 nhóm đều gặp khá nhiều khó khăn và thử thách đặc biệt là trong những ngày đầu tiên tại mỗi địa bàn (sự nhiệt tình của cán bộ địa phương và người dân, danh sách chủ tàu được chọn chưa sát với thực tế, khoảng cách di chuyển giữa các địa bàn, thời tiết...), tuy nhiên với sự hỗ trợ rất nhiệt tình và kịp thời của cán bộ Ngân hàng Thế giới, cán bộ Dự án, các thành viên BQLDA tại địa phương, AMDI đã hoàn thành xuất sắc điều tra cơ bản tại tất cả các địa bàn dự án. Tổng cộng 3 nhóm điều tra của AMDI đã tiến hành phỏng vấn được 1927 hộ ngư dân tại 111 xã thuộc 36 huyện tại 8 tỉnh với tổng số phiều là 2190 phiếu.
(Ảnh: Điều tra viên đi vào các hộ dân để phỏng vấn tại Sóc Trăng)
(Ảnh: Chuẩn bị quà đến hộ gia đình)
Sau khi hoàn thành khảo sát, dữ liệu thu thập sẽ được các chuyên gia số liệu và thông kê của AMDI cùng với các chuyên gia thủy sản tiến hành tổng hợp, làm sạch và phân tích sơ bộ để báo cáo với BQLDA và Ngân hàng Thế giới. Sau đó từ những phân tích sơ bộ này dữ liệu sẽ tiếp tục được phân tích sâu hơn nhằm phục vụ mục đích đánh giá tác động của dự án sau này.
Thông tin thêm về dự án:
Hoạt động tư vấn “Điều tra cơ bản phục vụ đánh giá tác động của Dự án” nằm trong khuôn khổ Hợp phần D - Quản lý, giám sát và đánh giá dự án của Dự án. Mục tiêu chính của hoạt động điều tra cơ bản này là nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu ban đầu, đánh giá hiện trạng của vùng dự án nhằm làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của những can thiệp của dự án trong quá trình thực hiện sau này.
Đơn vị tư vấn sẽ tiến hành điều tra tại các khu vực cộng đồng ngư dân tập trung tại các tỉnh của Dự án để thu thập số liệu về:
- Thực hành nghề cá và phương pháp đánh bắt;
- Kiến thức và phương pháp sử dụng thực hành bền vững nghề cá;
- Sự tham gia và đồng quản lý;
- Xung đột trong cộng đồng;
- Thu nhập;
- Việc làm phi thủy sản và nguồn lao động;
- Tính bền vững và chất lượng thủy sản;
- Tọa độ GPS của các hộ gia đình.