Nhờ áp dụng chuẩn quy trình GAHP, lợi nhuận trong chăn nuôi của gia đình ông Bùi Xuân Căn, thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong (Quảng Xương) tăng 20-30% so với trước.
Đàn vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn, nước uống, dịch vụ thú y, ghi chép nhật ký tăng trưởng, đến xuất bán sản phẩm, hạch toán kinh tế... là những điều dường như còn xa lạ với chăn nuôi nông hộ. Vậy nhưng, khi thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAHP của dự án Lifsap, điều đó đã trở thành thói quen của các hộ dân tham gia dự án.
Đến thăm gia đình ông Bùi Xuân Căn, thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong (Quảng Xương), quan sát của chúng tôi là từ cổng vào tới lối đi, chuồng trại đều sạch sẽ, trong khi gia đình ông luôn duy trì 50-60 con lợn/lứa. Ông Căn vui vẻ chia sẻ: Tổ GAHP của ông có 15 hộ, mỗi tháng, các thành viên họp 1 lần để trao đổi, hỗ trợ nhau kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi từ đầu vào tới đầu ra cho sản phẩm nên lợi nhuận cao hơn trước từ 20-30%.
Quảng Phong là 1 trong 10 xã trên địa bàn 5 huyện trong tỉnh được thụ hưởng dự án sản xuất lợn sạch theo tiêu chí “từ trang trại tới bàn ăn” của Dự án Lifsap. Với 126 hộ tham gia dự án, chia làm 6 tổ GAHP, các hộ chăn nuôi không chỉ có điều kiện chia sẻ với nhau về kỹ thuật mà còn có thể tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cũng không còn bị ép giá do các thành viên trong nhóm thường mua thức ăn chăn nuôi, xuất bán sản phẩm với số lượng lớn. Tại Quảng Phong, 1 cơ sở giết mổ tập trung quy mô 30 con/ngày cũng được đầu tư nâng cấp, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh trong khâu giết mổ. Ông Mai Đình Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Chăn nuôi theo GAHP, các hộ dân được dự án đầu tư hệ thống xử lý môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi của mình như hầm Biogas, hầm ủ phân compost... góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, khí thải tạo ra từ hầm Biogas được sử dụng để đun nấu, tiết kiệm cho hộ chăn nuôi của dự án trung bình khoảng 3 - 4 triệu đồng/năm. Tuy mới tham gia được hơn 3 năm nhưng quy trình chăn nuôi chuẩn đã giúp địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời nâng giá trị của ngành chăn nuôi lên gần 53% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dự án Lifsap được thực hiện xuất phát từ thực trạng của ngành chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội về việc bảo đảm nguồn thực phẩm thịt an toàn, với mục tiêu đưa các hộ chăn nuôi theo vùng được tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Hỗ trợ các hộ xây dựng cơ sở vật chất; nâng cấp các cơ sở giết mổ; chợ buôn bán thực phẩm tươi sống... bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thanh Hóa là 1 trong 12 tỉnh được tham gia Dự án Lifsap giai đoạn 2010-2015 với tổng nguồn vốn hỗ trợ 5,358 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong 5 năm triển khai dự án, Ban Quản lý Dự án Lifsap Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tại các vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi trọng điểm của tỉnh gồm 10 vùng: Hoằng Thắng, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa), Định Tường, Yên Thọ (Yên Định), Nông Trường, Minh Sơn (Triệu Sơn), Quảng Phong, Quảng Hòa (Quảng Xương) và Xuân Thành, Thọ Nguyên (Thọ Xuân), với tổng số 937 hộ tham gia, chia làm 49 tổ GAHP. Đối tượng được thụ hưởng dự án gồm: Các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chợ thực phẩm tươi sống. Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh ngành chăn nuôi thông qua ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện đời sống cho cộng đồng.
Qua các nhóm GAHP, ban quản lý dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 234 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Áp dụng quy trình “Thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà trong nông hộ” (Viet GAHP) cho 3.816 lượt người tham gia. Hỗ trợ vật tư và thiết bị chăn nuôi (như máng ăn, máng uống, đèn sưởi hồng ngoại, bình phun thuốc khử trùng, bảo hộ lao động...) cho 637 hộ. Hỗ trợ và nghiệm thu xây dựng 34 mô hình chuồng trại chăn nuôi mẫu và 603 hộ thành viên. Đào tạo, tập huấn nhân rộng cho 1.800 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các xã tham gia dự án. Từ những hỗ trợ thiết thực này, đến hết năm 2014 đã có 365 hộ GAHP được cấp giấy chứng nhận Viet GAHP trong chăn nuôi, đạt tỷ lệ 57% so với số hộ được đánh giá thẩm định.
Dự án cũng hỗ trợ xây dựng 4 lò mổ quy mô 30 con/ngày tại huyện Quảng Xương, Yên Định, thị xã Bỉm Sơn và thị xã Sầm Sơn; 15 cơ sở giết mổ quy mô từ 3 - dưới 30 con. Tính đến hết năm 2014 đã khảo sát, thiết kế, xây dựng 43 chợ thực phẩm tươi sống, trong đó có 38 chợ đã xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng; kế hoạch năm 2015 tiếp tục nâng cấp thêm 5 chợ. Các chợ đầu tư nâng cấp đã làm thay đổi khu bán thực phẩm tươi sống, từng bước thay đổi thói quen bán thực phẩm tùy tiện ở dọc các lề đường, bày bán thịt trên mặt bàn tre, gỗ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Ông Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, Phó Ban Quản lý Dự án Lifsap Thanh Hóa, đề xuất: Để dự án triển khai thiết thực và hiệu quả hơn, các địa phương cần tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bên cạnh đó tích cực tuyên truyền triển khai, nhân rộng các nhóm GAHP. Nếu làm được như vậy, đây sẽ là chìa khóa để các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ tiếp cận được với hình thức chăn nuôi chuyên nghiệp, từng bước hình thành vùng chăn nuôi theo hướng Viet GAHP.