Nhà thầu thi công công trình bến cá xã Hải Châu (Tĩnh Gia). Ảnh: Thùy Dương
(THO) - Dự án (DA) “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD), vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai thực hiện tại Thanh Hóa từ năm 2012 đến năm 2017. Hoằng Hóa là một trong sáu huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được thực hiện DA.
Tính đến hết năm 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai 4 tiểu DA về nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi an toàn sinh học, vùng nuôi đa dạng sinh học; nâng cấp bến cá tại các xã Hoằng Phong, Hoằng Châu, Hoằng Lưu và Hoằng Phụ. Kết quả, đến ngày 31-12-2014, huyện Hoằng Hóa đã thành lập được 1 tổ đồng quản lý nghề cá tại xã Hoằng Trường; 1 tổ cộng đồng nuôi tôm theo hướng VietGAP tại xã Hoằng Phong; 2 tổ cộng đồng nuôi đa dạng sinh học tại các xã Hoằng Lưu, Hoằng Châu. Các tiểu DA đang được gấp rút thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng. Trong đó, hai công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng an toàn sinh học vùng nuôi xã Hoằng Phong, nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm các điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng suất, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản tại các địa phương.
Riêng tiểu DA nâng cấp bến cá Hoằng Phụ đến thời điểm nêu trên các đơn vị thi công đã thực hiện đạt hơn 30% so với khối lượng hợp đồng. Được biết, tiểu DA nâng cấp bến cá Hoằng Phụ được quy hoạch trên 5,2 ha, có mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng, gồm 2 gói thầu: Xây lắp hạng mục bến cập tàu, sân bến; xây lắp hạng mục kè bảo vệ, nhà phân loại và các công trình phụ trợ. Trên công trường xây dựng bến cá Hoằng Phụ những ngày đầu năm mới 2015 các nhà thầu đang khẩn trương thi công đồng bộ các hạng mục của công trình. Các đơn vị đã cam kết với chủ đầu tư thực hiện mục tiêu đến quý III-2015 hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng, góp phần nâng cấp, cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường khu vực, cải thiện các dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy, hải sản mỗi năm; cung cấp các dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt kết hợp với neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá ven bờ.
Nét nổi bật là, Ban Quản lý DA Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh đã tăng cường cán bộ, kỹ sư lên công trường chỉ đạo, giám sát kỹ thuật, chất lượng các công trình; đôn đốc các đơn vị thi công ưu tiên huy động các nguồn lực lên công trường đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Các địa phương được triển khai DA cần có biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình đã hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả bền vững trong nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên địa bàn.
Dự án CRSD