Diễn Châu là 1 trong 4 huyện của tỉnh Nghệ An tham gia dự án Lifsap, qua 4 năm triển khai, dự án không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, mà người giết mổ, người kinh doanh sản phẩm thịt và tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Dự án LIFSAP được thực hiện nhằm tạo nguồn thực phẩm thịt an toàn, với mục tiêu đưa các hộ chăn nuôi tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng bể Biogas, nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống…
Năm 2011, Diễn Thọ là xã đầu tiên ở Diễn Châu được dự án triển khai thí điểm với 21 hộ chăn nuôi lợn, gà tham gia. Mỗi hộ đều được dự án hỗ trợ xây dựng hầm Biogas, mua sắm các dụng cụ chăn nuôi, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng lò mổ và khu buôn bán hàng thực phẩm tươi sống với tổng số vốn khoảng 5,4 tỷ đổng. Cùng với việc đầu tư cơ sở theo quy trình khép kín từ khi bắt đầu chăn nuôi cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì mỗi tháng 2 lần các thành viên của dự án sẽ đột xuất kiểm tra, lấy mẫu thức ăn để đảm bảo các hộ không trộn lẫn chất tăng trọng cũng như việc chấp hành vệ sinh an toàn phòng dịch tại lò mổ và vệ sinh tại khu buôn bán.
Tại xã trọng điểm về chăn nuôi Diễn Trung, tuy mới qua 2 năm được dự án đầu tư nhưng đã cho hiệu quả rất rõ nét. Không chỉ áp dụng cho 120 hộ chăn nuôi gà, lợn mà 12 hộ nuôi tôm cũng được đầu tư mương dẫn nước, quy trình nuôi an toàn. Dự án đã thành lập 2 nhóm gồm chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi tôm, có nhiệm vụ liên kết giữa các hộ nuôi và được trang bị đầy đủ các dụng cụ chuyên dùng cho phòng dịch. Với việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi sạch nên qua 2 năm áp dụng mô hình chăn nuôi VietGAP, Diễn Trung không có dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra, năng suất cao hơn trước tới 30%. Nếu như trước đây tỷ lệ thiệt hại trong chăn nuôi trung bình là 10% thì nay là không đáng kể. Bên cạnh đó với sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn nên dễ tiêu thụ, giá tăng từ 5-10% so với trước. Đây là kết quả rõ nét và thuyết phục nhất của dự án, được bà con chăn nuôi rất hưởng ứng.
Ông Đậu Ngọc Hòa – Trưởng nhóm chăn nuôi GAP ở Diễn Trung trao đổi: “Trong quá trình thực hiện chăn nuôi VietGAP thì bà con thực hiện rất tốt, phát triển rất tốt so với thời kỳ chưa chăn nuôi theo hướng này thì tỷ lệ chăn nuôi hộ gia đình hiệu quả rất thấp nhưng đến bây giờ, hiệu quả rất cao, rủi ro là không có. Sau mấy năm thực hiên thì Diễn Trung không có dịch bệnh xảy ra và đời sống nông dân được nâng lên”.
Qua 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ lắp đặt được gần 150 hầm Biogas, 1 lò giết mổ gia súc tập trung, 3 khu buôn bán thực phẩm tươi sống, hiện đang tiếp tục đầu tư tại chợ Diễn Kỷ và Diễn Trung. Nhiều người tiêu dùng ở xã Diễn Thọ, Diễn Hạnh và Diễn Đồng không khỏi bất ngờ bởi các khu bán thực phẩm tươi sống trên địa bàn xã đã được xây dựng khang trang, hợp vệ sinh, có hệ thống đèn chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước, bề mặt quầy bán thịt được ốp đá, lắp vòi rửa... Ngoài việc được đầu tư khép kín để có sản phẩm chất lượng thì điều lớn nhất mà dự án làm được đó là đã phổ biến được quy trình, cách làm, tạo ý thức trong việc chăn nuôi sạch của bà con nông dân. Đây là điều quan trọng nhất mà dự án hướng tới.
Ông Đặng Quang Trung – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thọ cho biết: “Khi dự án về, nhận thức người dân thay đổi một cách toàn diện, vì từ chăn nuôi, đến giết mổ, cho đến người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức và tạo tiền đề từ cán bộ xã đến xóm, cán bộ thú y rồi đến người tiêu dùng có nhận thức tức là thực phẩm ra đến đó là đã sạch rồi”.
Với quy trình thực hiện theo chuỗi khép kín theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại tới bàn ăn. Đây là mô hình hết sức thiết thực, để ngành chăn nuôi Diễn Châu phát triển bền vững và hiệu quả, từng bước hình thành vùng chăn nuôi theo hướng sạch, cung cấp ra thị trường các loại thực phẩm an toàn.
Đài TT-TH Diễn Châu