Sáng 3/6, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Dự án Lifsap (Dự án Cạnh tranh trong chăn nuôi và an toàn thực phẩm) đã tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động triển khai quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà an toàn trong nông hộ. Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi; ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành và 12 Tỉnh/Thành phố thuộc vùng dự án trên cả nước tham dự.
Báo cáo tại của Dự án Lifsap cho thấy, qua 4 năm triển khai, 12 địa phương được chọn đã tiến hành khảo sát, lựa chọn 52 vùng chăn nuôi an toàn (GAHP); trong đó, 46 vùng đã được chấp thuận, với tổng số 11.201 hộ tham gia nhóm GAHP, đạt 117,91% so mục tiêu 9.500 hộ theo chỉ tiêu đặt ra. Dự án đã hỗ trợ trang thiết bị an toàn sinh học cho 9.856 hộ, chiếm 88% tổng số hộ GAHP. Hệ thống quản lý chất thải và nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học được tăng cường với việc hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng hầm Biogas hố ủ phân hữu cơ và các trang thiết bị. Hỗ trợ 24 hệ thống trộn thức ăn cho các nhóm GAHP tại Đồng Nai giúp giảm chi phí, giá thành.
Đánh giá tác động của Dự án đến tình hình chăn nuôi tại các địa phương, đại diện Lisap cho biết, Dự án đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các hộ chăn nuôi; hầu hết các hộ nuôi được đầu tư nâng cấp chuồng trại, trang thiết bị và tập huấn kỹ thuật. Các hộ đã ý thức được tầm quan trọng của GAHP đối với chăn nuôi và coi đây là mô hình chăn nuôi ít rủi ro nhất. Đồng thời, sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ qua từng khâu, hiệu quả kinh tế tăng hơn 23% so các hộ chưa áp dụng GAHP. Và tới 50% số hộ áp dụng GAHP đã được cấp chứng chỉ, đây là kết quả đáng khích lệ. Dự án còn có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: thú y, an toàn thực phẩm, môi trường, xã hội…
để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư và tính bền vững của dự án, Cục Chăn nuôi cần phối hợp với dự án, các cục, vụ liên quan trong Bộ, chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho lợn, gà an toàn trong nông hộ và quy trình đánh giá cấp giấy chứng nhận sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ. Sau khi hoàn thiện hai quy trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét, phê duyệt để thực hiện trên phạm vi cả nước.