THỬ NGHIỆM GIẢI PHÁP SINH HỌC TRONG PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN
Trần Văn Lam
Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp được thành lập năm 1999 và quản lý các dự án về các lĩnh vực Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), thuỷ sản và cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện nay, Ban đang quản lý 11 dự án vốn vay, 02 dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giởi, Cơ quan phát triển Pháp, quỹ môi trường toàn cầu, cơ quan phát triển quốc tế Úc, Quỹ phát triển Bắc Âu…
Trong thời gian vừa qua, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung vào việc cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống thuỷ lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, chợ nông thôn và đường giao thông nông thôn. Các công trình này đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đóng góp vào chương trình phát triển nông thôn mới, cải thiện đời sống kinh tế xã hội và nâng cao giá trị gia tăng cho người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công đang ở mức tăng cao, nguồn vốn ODA ngày một giảm dần, các công trình xây dựng theo cách truyền thông có chi phí cao sẽ là một thách thức với các tỉnh miền núi phía Bắc. Do vậy, cách tiếp cận xây dựng các dự án áp dụng những biện pháp thân thiện với môi trường với mức chi phí hợp lý, phù hợp với tiềm lực của địa phương. Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ (thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Phát triển Châu Á) dự án tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc được áp dụng các biện pháp có phí thấp và thân thiện với môi trường để bảo vệ mái kè suối tại tỉnh Bắc Cạn và Sơn La. Mục tiêu của dự án là tăng cường sức bền và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương của các hạ tầng kinh tế quan trọng của địa phương ở các khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và tạo ra khung chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp sinh học cho vùng núi phía Bắc. Để đạt được mục tiêu này, trong 04 năm thực hiện dự án (2013 – 2016), dự án nghiên cứu (i) lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược, kế hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn; (ii) tăng cường năng lực của các cán bộ tỉnh về thích ứng với BĐKH; (iii) xây dựng 04 mô hình trình diễn thích ứng với BĐKH sử dụng các biện pháp chi phí thấp, thân thiện với môi trường; và (iv) phổ biến các bài học thu được. Các mô hình trình diễn được thực hiện ở 03 tỉnh Sơn La, Bắc Kạn và Thái Nguyên, trong đó đã hoàn thành mô hình tại 2 tỉnh Sơn La và Bắc Kạn với những kết quả khả quan. Kết quả bước đầu cho thấy giải pháp này có một số ưu điểm: (i) thân thiện với môi trường, (ii) sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương, (iii) chi phí thấp, và (iv) dễ áp dụng.