Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) có tổng vốn 84 triệu USD, thực hiện trên 10 tỉnh, trong 6 năm (từ 6/2013 - 6/2019), gồm 3 hợp phần chính
Hầm KSH cỡ nhỏ hiệu quả lớn trong xử lý chất thải chăn nuôi (Ảnh: Trần Hồ)
Hầm khí sinh học nhỏ phát huy hiệu quả lớn
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) có tổng vốn 84 triệu USD, thực hiện trên 10 tỉnh, trong 6 năm (từ 6/2013 - 6/2019), gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần 1 là quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi (20 triệu USD). Hợp phần 2 là tín dụng phát triển khí sinh học (42 triệu USD). Hợp phần 3 là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp (16 triệu USD). Hợp phần 4 là quản lý dự án (6 triệu USD cả dự phòng).
Hầu hết các hầm khí sinh học (KSH) do người dân xây dựng nhỏ hơn 20m3. Qua điều tra của dự án, hầm KSH quy mô nhỏ khoảng 9m3 đủ cung cấp khí ga đun nấu cho một hộ dân khoảng 6 người.
Đầu tư cho hầm KSH quy mô nhỏ đã đem lại hiệu quả cao về kinh tế (người dân tiết kiệm tiền ga, củi), môi trường (giảm ô nhiễm mùi, ô nhiễm nguồn nước), xã hội (giảm thời gian đun nấu của phụ nữ và trẻ em, giảm khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân).
Kết quả ấn tượng sau 3 năm thực hiện dự án LCASP (tính đến tháng 6/2016). Đồ họa: MP.
Chương trình hỗ trợ tài chính cho người dân xây lắp hầm KSH nhỏ là cần thiết. Chính phủ cần hỗ trợ tài chính một phần để tăng sức hấp dẫn của đầu tư các hầm KSH nhỏ, giúp các hộ chăn nuôi đầu tư vào môi trường một cách bền vững.
“Dự án hiện đang hỗ trợ 3 triệu VNĐ/hầm KSH cỡ nhỏ. Nếu tăng lên 5 triệu VNĐ theo Quyết định 50 của Thủ tướng thì sẽ có nhiều hộ dân vay tín dụng hoặc tự bỏ tiền để đầu tư hầm KSH”.
Hầm KSH vừa, lớn: Chưa hiệu quả triệt để
Qua khảo sát của dự án, các hầm KSH vừa và lớn chưa đem lại hiệu quả đầu tư, môi trường và xã hội như mong muốn. Cụ thể là người dân chỉ sử dụng một phần không đáng kể khí ga cho đun nấu, một số chạy máy phát điện nhưng chưa hiệu quả do công nghệ nhập từ Trung Quốc có chất lượng kém, bộ lọc khí ga chất lượng thấp, điện lưới giá thành thấp, phát điện khí ga chưa nối mạng điện lưới.
Mục tiêu đến của dự án LCASP. Đồ họa: MP
Hầm KSH vừa và lớn thường xả khí ga ra môi trường, ít trang trại đốt do sợ cháy nổ, nước thải sau hầm KSH thường không đạt chuẩn. Chính sách bắt buộc phải có hầm KSH để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại là chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam, không bền vững và để lại hậu quả xã hội xấu (tâm lý đối phó với các đoàn kiểm tra về môi trường, người dân xung quanh mâu thuẫn do ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng).
Mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại của dự án là một chuyển hướng đúng đắn, nếu thực hiện thành công sẽ giúp đem lại hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và xã hội. Dự án đã đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam xem xét lại việc phát triển các công trình KSH vừa và lớn như biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi duy nhất và bắt buộc cho các trang trại vì những lý do ở trên.
Dự án đang xây dựng các mô hình và nghiên cứu nhằm mục đích: Xây lắp các hầm KSH đáp ứng vừa đủ với nhu cầu sử dụng khí ga (cho đun nấu, phát điện…); áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi khác như máy ép phân để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, nuôi trùn quế.
Qua thực tế triển khai dự án trong 3 năm vừa qua, Dự án đề xuất: Tiếp tục hỗ trợ tài chính và tín dụng cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ xây lắp các hầm KSH nhằm đảm bảo hiệu quả xử lý môi trường bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế.
Mục tiêu của Bộ NN-PTNT trong Quyết định 3119 là xây lắp 500.000 hầm KSH nhỏ trong giai đoạn 2010-2020 và 500.000 hầm KSH nhỏ nữa trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời thay đổi chính sách về bắt buộc làm hầm KSH vừa và lớn như là biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi duy nhất. Nhân rộng mô hình đã thực hiện thành công của dự án.
+ Hợp phần 1: Mục tiêu ban đầu của dự án là 36.000 hầm KSH quy mô nhỏ (từ 50 m3 trở xuống), 40 hầm KSH vừa (từ 51 - 499m3) và 10 hầm KSH lớn (lớn hơn 500m3). Tính đến 30/6/2016, đã hoàn thành 38.000 hầm KSH nhỏ, 4 hầm vừa. + Hợp phần 2: Do ngân hàng thương mại thực hiện. + Hợp phần 3: Đã xác định các mô hình và nghiên cứu để khắc phục các nhược điểm của hầm KSH vừa và lớn, đã hoàn thành các thiết kế các mô hình để sẵn sàng triển khai thực hiện trong 3 năm còn lại của dự án.
TS. NGUYỄN THẾ HINH (Phó Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN-PTNT)