Khi mà vấn đề ATTP đang ngày một “nóng”, người dân không biết tìm đâu ra thực phẩm sạch thì Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP đem đến hy vọng mới.
Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng số vốn 79,03 triệu USD. Giai đoạn I của Dự án được thực hiện trên 12 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh. Dự án được triển khai trong 6 năm, từ tháng 3/2010 đến tháng 12/2015. Mục tiêu chính của Dự án nhằm hướng đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ Việt Nam, nâng cao hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo hộ chăn nuôi theo quy trình hộ chăn nuôi an toàn… từ đó từng bước đảm bảo bữa ăn sạch đến các gia đình.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đơn vị tài trợ Dự án phát biểu
Trách nhiệm với cộng đồng
Để hoàn thành Dự án một cách hiệu quả nhất, Ban Quản lý dự án đã phân bổ cụ thể các mục tiêu một cách rõ ràng và chi tiết. Theo đó, mục tiêu ngắn hạn được đề ra, bao gồm: Các hộ chăn nuôi tiếp nhận công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn; khoảng 8.500 hộ chăn nuôi trong vùng ưu tiên sẽ được đào tạo qui trình chăn nuôi an toàn;
Thực hiện một vùng quy hoạch chăn nuôi thí điểm trên một tỉnh dự án (điều chỉnh giảm xuống còn một Vùng quy hoạch chăn nuôi thí điểm tại tỉnh Đồng Nai).
Ngoài ra, mục tiêu của Dự án này cũng đặc biệt chú trọng đến tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin, phòng các bệnh thông thường (>90%) trong các hộ tham giam dự án.
Hướng tới mong muốn, ít nhất 9.000 hộ trong vùng quy hoạch chăn nuôi và vùng ưu tiên áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn và các biện pháp nâng cao an toàn sinh học; giảm 50% số gia súc, gia cầm mắc các bệnh thông thường trong các xã dự án;
Năng lực cán bộ thú y xã được nâng cao cũng là một mục tiêu quan trọng của Dự án này;
Đặc biêt, vấn đề môi trường được chú trọng hơn cả, với mục tiêu 8.500 hộ trong vùng quy hoạch chăn nuôi và vùng ưu tiên áp dụng qui trình quản lý chất thải; 130 lò mổ và 500 chợ thực phẩm tươi sống (được điều chỉnh giảm xuống còn 400 chợ thực phẩm tươi sống) được nâng cấp và áp dụng tốt quy trình quản lý chất thải…
Trách nhiệm và năng lực thực hiện Dự án của Ban Quản lý không chỉ dừng lại ở các mục tiêu ngắn hạn mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn nhằm phát triển ngành chăn nuôi đến một tầm cao mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Qua đó, năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi sạch ở Việt Nam sẽ có cơ hội đứng trong bản đồ thế giới về vấn đề ATTP.
Nhóm hỗ trợ thực hiện Dự án của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam
Ngoài ra, Dự án còn kỳ vọng, năng lực kiểm soát của các cơ quan quản lý ngành chăn nuôi, thú y được nâng cao giúp người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn; tạo ra các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng và năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn, giúp người nông dân trong vùng dự án nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định, bền vững.
Mục tiêu xa hơn mà Dự án này hướng tới là các vùng quy hoạch chăn nuôi được đi vào hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các lò mổ tập trung vận hành tốt giúp các cơ quan thú y kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi trước khi đưa ra thị trường.
Còn tại các chợ buôn bán sản phẩm chăn nuôi tươi sống, sẽ áp dụng quy trình an toàn thực phẩm và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi…
Các chỉ số thực hiện chính của Dự án (KPI) nhằm tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi qua việc áp dụng các phương thức chăn nuôi an toàn (GAHP), giảm tỉ lệ chết của vật nuôi 30%, rút ngắn thời gian vỗ béo 15%, tăng số lượng đàn vật nuôi của nông hộ 15%.
Giảm ô nhiễm môi trường gây ra do ngành chăn nuôi qua việc hỗ trợ các các hộ chăn nuôi, lò mổ và các chợ thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường (70% hộ, 90% các lò mổ và chợ thực phẩm tươi sống đáp ứng tiêu chuẩn môi trường);
Tăng sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm qua việc hỗ trợ các lò mổ và chợ bán thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (90% các lò mổ và chợ thực phẩm tươi sống trọng điểm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP).
Hy vọng về một thị trường “sạch”
Sau gần 6 năm triển khai Dự án, đến nay đã tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể: Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm trong pha 1 đã triển khai thiết lập được 46 vùng GAHP với 11.201 hộ GAHP, hỗ trợ nâng cấp 235 cơ sở giết mổ và 378 chợ thực phẩm tươi sống trên 12 tỉnh/ thành phố. Đồng thời, cũng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã, hộ nông dân, hộ giết mổ, hộ tiểu thương, các đối tượng có liên qua tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, tập quán, thói quen trong sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý. Chuỗi chăn nuôi khép kín từ “Nhóm/hộ GAHP – CSGM - Chợ thực phẩm tươi sống” trong các vùng GAHP đã được thiết lập, đi vào hoạt động, người dân đã bắt đầu được hưởng lợi các sản phẩm GAHP của dự án.
Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu dự án đã đề ra, các mục tiêu của dự án đã (và vẫn) phù hợp với các ưu tiên của quốc gia và Chiến lược hỗ trợ quốc gia của WB;
Ông Tôn Thất Sơn Phong - Giám đốc Dự án
Dự án đã đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, các cấp chính quyền các tỉnh tham gia dự án về các vấn đề sản xuất, quản lý, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm sạch và đã góp phần nâng cao được trình độ, kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ từ trung ương đến địa phương, các hộ chăn nuôi, giết mổ, tiểu thương tham gia dự án; mang lại hiệu quả kinh tế cao và có ảnh hưởng tốt đến các vấn đề xã hội, môi trường và an toàn thực phẩm và được coi như “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công dự án còn một số điểm yếu như: Mức độ liên kết giữa các hộ GAHP, nhóm GAHP còn yếu làm lượng sản phẩm đầu ra phân tán, chưa đạt đến được một quy mô lớn để tạo tác động đáng kể cho chuỗi giá trị ngành hàng, do đó giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao; Hoạt động truy xuất nguồn gốc mới dừng lại ở thí điểm, xây dựng thương hiệu mới ở mức truyền thông chưa thực sự được thực hiện như là giải pháp nhằm tạo sự khác biệt giữa sản phẩm GAHP và không GAHP nên chưa nâng cao được giá trị sản phẩm. Các nội dung này cần thiết phải khắc phục trong pha bổ sung vốn của Dự án.
“Mặc dù gặp một số khó khăn ở giai đoạn đầu, song kết quả của dự án đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu ban đầu đã đề ra, Dự án được đánh giá là "thành công", Ông Tôn Thất Sơn Phong - Giám đốc dự án LIFSAP nói.