Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD):
Mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho nghề nuôi tôm
Nhờ tăng cường công tác quản lý an toàn sinh học (ATSH) nên trong những năm gần đây, tại các vùng nuôi tôm thuộc dự án CRSD đã không còn tình trạng dịch bệnh hoành hành, người dân đã liên tiếp có những “mùa vàng” bội thu, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Dự án CRSD là dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới, cùng đơn vị chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Mục tiêu của Dự án là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án CRSD đã tìm ra các giải pháp kỹ thuật bền vững, giúp cho người nuôi tôm thoát khỏi dịch bệnh đã liên tiếp xảy ra trong những năm 2012 đến 2014.
Ông Phạm Ngọc Sao, giám đốc dự án CRSD cho biết: “Đến năm 2016, dự án đã có 50 vùng nuôi tôm ATSH được xây dựng trên diện tích 11.000 ha, với hơn 8.700 hộ nông dân tham gia; hơn 20.000 lượt người được đào tạo. Hơn 52 công trình hạ tầng công (mương cấp thoát nước, đê cống…) được nâng cấp. Các giải pháp kỹ thuật: Nuôi tôm khép kín sử dụng cá rô phi xử lý nước, nuôi xen tôm – cá; nuôi tôm công nghệ Bioflock; nuôi tôm rừng... đã được tập huấn và được nông dân áp dụng hiệu quả. Với các vùng nuôi có môi trường bị suy thoái đã được chuyển thành vùng đa dạng hóa loài nuôi, người dân lựa chọn đối tượng nuôi hiệu quả và có thị trường thay thế con tôm”.
Các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm ATSH tuy mới được triển khai từ đầu năm 2015 nhưng đã góp phần giảm tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh từ 35% (trước khi triển khai dự án) xuống còn 13%. Đặc biệt hơn cả là dự án đã giúp người dân đã tìm ra hướng đi cho mình, nắm được các giải pháp kỹ thuật để duy trì hiệu quả bền vững.
Song song với việc thành lập các vùng nuôi tôm ATSH là sáng kiến thành lập Tổ cộng đồng (TCĐ). Tại 50 vùng nuôi ở 8 tỉnh có dự án đã thành lập đc 252 TCĐ với gần 100% hộ dân tham gia. Nhờ có sự ra đời của TCĐ, các hoạt động như: cải tạo ao, tìm nguồn giống, thức ăn, quản lý chất lượng nước thải, chất thải, giám sát dịch bệnh... đều được cả cộng đồng cùng thực hiện. Các giải pháp kỹ thuật mới được cập nhật chia sẻ. Thống kê cho thấy, chỉ khi TCĐ hoạt động tốt thì vùng nuôi ATSH mới đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, người dân đã nô nức, tự nguyện tham gia vào các TCĐ… đây chính là thành quả to lớn mà dự án mang lại cho người dân vùng có dự án.
Nhờ có những đường hướng đúng nên các vùng nuôi tôm ATSH đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người dân, hy vọng những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng đến toàn bộ vùng nuôi tôm ven biển Việt Nam trong thời gian tới.