Thành quả đạt được và bài học kinh nghiệm về bảo vệ môi trường.
Tên Dự án “Nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững” – tên Dự án đã thể hiện mục tiêu của Dự án và sự bền vững đầu tiên là bền vững về môi trường. Dự án chỉ có thể có kết quả tốt, đạt mục tiêu bền vững khi người dân có lãi ổn định và quá trình canh tác thân thiện với môi trường.
Trong hoàn cảnh môi trường bị tác động xấu, nhiều nơi bị suy thoái bởi các hoạt động nuôi trồng thủy sản mà đặc biệt là hoạt động nuôi tôm, dự án đã đề ra mục tiêu đạt 50% hộ dân có chất lượng nước thải đạt Tiêu chuẩn quốc gia, 50% hộ dân có xử lý nước thải, chất thải rắn. Ý nghĩa hơn, để đảm bảo tính khách quan, các chỉ tiêu này phải được cơ quan chức năng về môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Dự án kiểm tra, xác định.
Để đạt mục tiêu đó, một loạt hoạt động và giải pháp thúc đẩy các hoạt động đã được dự án triển khai. Trước hết là chọn, đầu tư trang thiết bị và đào tạo kỹ năng sử dụng các thiết bị đó cho cơ quan chuyên môn quản lý về môi trường (Sở TNMT). Cơ quan này chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động có nguy cơ tác động xấu đến môi trường: Kiểm tra chất lượng nước thải của các ao nuôi tôm, giám sát việc xử lý chất thải rắn, bùn thải.
Để làm tốt việc này, dự án xác định vai trò quan trọng trong hoạt động và giám sát của Tổ cộng đồng. Thực tế đã chứng minh, vùng nuôi nào có tổ cộng đồng hoạt động tốt, vùng đó không những hiệu quả sản xuất được nâng cao mà nước thải, chất thải, bùn thải được quản lý, xử lý tốt hơn. Các điều của Qui chế hoạt động Tổ cộng đồng ( như là hương ước) được các thành viên thực hiện và giám sát, hỗ trợ nhau thực hiện tốt.
Do vậy, cuối năm 2016, các hiệu quả của hoạt động bảo vệ môi trường được Sở TNMT các tỉnh xác định: 84% (mục tiêu 50%) các hộ nuôi có nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia; 82% hộ dân xử lý tốt bùn thải, chất thải đã vượt xa mục tiêu đặt ra. Các tiêu chí về quản lý nước thải, chất thải không những ngày càng làm cho hoạt động nuôi tôm thân thiện với môi trường mà còn tác động trực tiếp đến hiệu quả của từng ao nuôi và cả vùng nuôi. Giảm > 30% thiệt hại do bệnh dịch về năng suất cũng như về diện tích nhất định là hiệu quả của hoạt động giám sát môi trường, giữ gìn môi trường mà cụ thể là quản lý nước thải, chất thải rắn, bùn thải. Đó là mối liên hệ hữu cơ, tác động nhau đúc rút thành bài học kinh nghiệm mà vùng nuôi trồng thủy sản nào cũng cần học tập và nghiêm túc thực hiện.
Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh dự án CRSD